Wednesday, May 24, 2017

1 đề xuất để giảm tình trạng giao thông lộn xộn

Đây là ý tưởng của tôi sau khi đi Singapore về

Triển khai càng nhiều càng tốt các lối underpass, để người đi bộ đi qua đường. Ưu tiên cho các đường phố lớn, đông xe, hoặc khu nội thành.

Underpass là đường hầm cho người đi bộ, để đi qua đường. Thay vì upperpass là cầu vượt cho người đi bộ ở trên cao.

Các lợi ích

Lợi ích đầu tiên có thể thấy được là giảm rủi ro cho người đi bộ khi phải băng qua đường (điều mà upperpass cũng đã làm được). Việc ít người đi bộ băng ngang đường cũng có ích cho các phương tiện vận tải, khi họ có thể giữ nguyên tốc độ mà không cần lo sợ thắng gấp, giảm thiểu tai nạn giữa người đi bộ-xe và xe-xe do xe trước thắng gấp còn xe sau ủi tới (hehe).

Lợi ích thứ 2 là khi làm underpass, chúng ta có thể làm không gian cho các cửa hiệu nhỏ (bán cho người đi bộ/khách du lịch). Khi đó, các đường underpass sẽ có máy lạnh, giúp người đi bộ/mua hàng/bán hàng thoải mái hơn. Tất nhiên, các cửa hiệu này phải đóng tiền mặt bằng, và tiền này để duy trì hệ thống làm mát đồng thời chi trả lại một phần chi phí làm đường underpass.

Lợi ích thứ 3, underpass nếu làm ở gần các khu thương mại, thì có thể kết nối với nó, như vậy có thể đi qua lại giữa các khu mà không cần leo lên leo xuống. Đồng thời, có thể khuyến khích các khu thương mại làm thang máy dịch chuyển ngang, để người đi bộ có thể tiết kiệm công sức (đứng yên hay đẩy xe sau khi mua hàng) và thời gian (đi trên thang để nhanh hơn).

Lợi ích thứ 4, có nhiều không gian trên mặt đất, và dùng nó để trồng cây, hoặc các công trình đẹp để thu hút du lịch hơn. Ít người đi lại trên mặt đất cũng làm giảm áp lực về quy hoạch đường/tòa nhà, khi người ta không cần nhiều không gian cho vỉa hè.

lợi ích cuối cùng mà tôi nghĩ ra, như có đề cập ở trên, đó là underpass sẽ né được cái nóng ở VN. Hiện tại, có rất nhiều người không muốn leo lên cầu vượt đi bộ, vì leo lên xuống vừa mệt mà vừa nóng. Underpass có thể không giải quyết được cái mệt, nhưng giải quyết được cái nóng (tức là 1/2 vấn đề). Ha ha...

Các vấn đề

Tôi biết, vấn đề đầu tiên luôn là "tiền đâu". Tuy nhiên, vì tôi muốn chú trọng vào ý tưởng, nên vấn đề này tạm bỏ qua. Chuyện cần suy nghĩ là giải pháp như thế này có thật sự ổn hay không đã.

Vấn đề 2: Các cửa hiệu trên mặt đất sẽ gặp khó khăn hơn, bởi vì người đi bộ sẽ giảm đi trên mặt đất, và xe máy cũng khó dừng lại để mua (nhất là sau này có thể triển khai rào chắn ở các tuyến đường đông hoặc đường có tốc độ di chuyển cao).

Vấn đề 3: Hệ thống thoát nước hiện tại, nằm dưới vỉa hè và gần sát mặt đường, chắc chắn sẽ đụng underpass. Vấn đề là không thể đặt cống thoát nước sâu hơn nữa, do cần để nó tự chảy về nhà máy xử lý hoặc ra kênh/sông, nếu đặt sâu hơn thì lại cần hệ thống hút lên.

Vấn đề 4: Đường ở Sài Gòn hiện tại rất chật hẹp, nếu làm underpass thì không có chỗ để làm lối lên xuống. Chưa kể con đường cũng rất nhỏ, khoảng cách 2 bên đường rất ngắn nên khiến người dân sẽ có xu hướng băng ngang qua thay vì chui xuống rồi chui lên.

Đề xuất các giải quyết vấn đề

Tôi đã bỏ qua vấn đề đầu tiên là "tiền đâu".

Với vấn đề 2, tôi thật sự chưa có giải pháp nào. Giống như người ta phải đánh đổi nhiều thứ để lấy sự phát triển, thì đây là một hình thức kinh doanh sẽ bị lỗi thời nếu underpass phát triển, chúng ta sẽ phải dần chấp nhận sự ra đi của hình thức buôn bán nhỏ ở đường lớn, nhường cho những công trình mới, không gian buôn bán mới và môi trường làm việc mới. Tóm lại, tôi đề nghị chúng ta bỏ qua nó, như là một cái giá cho sự phát triển.

Với vấn đề 3, cần tìm cách cho hệ thống thoát nước và underpass sống chung với nhau. Một đặc điểm là underpass chắc chắn phải làm sâu dưới lòng đất, để đảm bảo an toàn. Cho nên cách tốt là, nếu underpass và cống nước không đụng nhau thì không sao, nếu đụng nhau thì cho cống ở trên, underpass cho đào sâu xuống luôn. Thêm nữa, là dưới underpass sẽ cần có một hệ thống thoát nước (bao gồm máy bơm hút, vốn thường được triển khai khi làm hầm), để đảm bảo underpass không bị ngập. Như vậy, có thể hình dung chúng ta có 3 "tầng", ở giữa là underpass, trên dưới đều có cống thoát (nhắc lại là chỉ khi đường cống và underpass cắt nhau thôi, mà cần hạn chế chuyện này).

Với vấn đề 4, có thể chia làm nhiều giai đoạn để triển khai. Lúc đầu ưu tiên đường lớn, rộng, gần ga tàu điện, xe lửa, sân bay, ở khu trung tâm hoặc gần các khu thương mại, việc triển khai ở đây sẽ né tránh được vấn đề đường chật hẹp, đồng thời làm thay đổi bộ mặt đô thị. Bước tiếp theo mới xử lý các con đường chật hẹp hơn, nhưng lưu lượng giao thông lớn, dễ bị kẹt xe. Khi đó, lối lên xuống đưa vào trong các hẻm hoặc các tòa nhà lớn (có hầm), tuy nhiên, cần phải giải tỏa một phần nhỏ của hẻm. Ở đây, nếu giải tỏa trong hẻm sẽ ít tốn chi phí hơn, và mặt tiền đường lớn thường được sử dụng để kinh doanh/quảng cáo, việc né khỏi mặt tiền sẽ không làm phiền hà ai hết. Đưa vào hẻm cũng có cái lợi, là đa số người có nhu cầu đi bộ là người cần đi mua một vài thứ gì đó, họ sẽ đi từ nhà ra đầu hẻm, và có thể chui vào underpass mà đi qua bên kia (thậm chí có thể mua ngay trong underpass).

Tạm kết

Đó là ý kiến của tôi, vốn không phải là người trong ngành để hiểu những vấn đề khó khăn hay thực tế triển khai. Nhưng tôi nghĩ việc đầu tiên phải có mong muốn trước đã, sau đó mới có thể ngồi xuống, suy nghĩ và thảo luận để tìm được con đường tốt nhất cho mình.

Xin cảm ơn! Mọi ý kiến đều rất welcome!

Bổ sung

Có một người bạn bảo rằng ở Hà Nội đã có triển khai hầm đi bộ 10 năm nay. Đây thật sự là bất ngờ, tôi chưa có tìm hiểu vấn đề này trước, vì ở Sài Gòn, tôi không thấy có. Tôi có xem qua một số bài viết của các báo về chuyện này (ví dụ http://www.baomoi.com/ham-va-cau-di-bo-o-ha-noi-lieu-co-dang-lang-phi/c/20725438.epi), và xin được phép có đôi dòng về nó.

Việc Hà Nội đã triển khai, chứng tỏ đây không phải là vấn đề không làm được, không đủ ngân sách để làm, hay chính quyền không muốn làm. Chỉ là vấn đề hiệu quả khi đưa vào sử dụng có vẻ không được như dự tính, nên không có động lực để tiếp tục triển khai thêm.

Bàn về hiệu quả, có vài điểm như sau:

  1. Triển khai ở Hà Nội, mà chưa thấy ở Sài Gòn. Tại sao chuyện này lại quan trọng? Đặc điểm ở Hà Nội là đường xá nhiều ngõ ngách nhỏ, đường xá cũng nhiều đường hẹp, và như vậy sẽ không tiện. Lượng dân cư ở Hà Nội cũng không bằng Sài Gòn, cộng thêm lượng khách du lịch nước ngoài (vốn có ý thức tuân thủ quy định tốt hơn), khiến cho nhu cầu ở Sài Gòn cũng nhiều hơn.
  2. Thiếu sự liên kết với các trung tâm thương mại lớn. Đặc biệt ưu tiên cho những khu vực có 2 trung tâm gần nhau. Đồng thời, cần bổ sung thêm thanh máy và thang cuốn (việc vốn dĩ bình thường ở các trung tâm thương mại).
  3. Hầm quá nhỏ, để có thể cho phép các cửa hiệu nhỏ hoạt động. Việc này có thể giúp cho hầm bớt "hiu quạnh", đôi khi tránh được việc hầm bị "xì ke" chiếm giữ hoàn toàn.
  4. Báo chí không hề đề cập, và nếu có đề cập thì họ chỉ chê bai mà không hề đưa ra bất cứ một ý kiến nào. Cũng thiếu trầm trọng việc quảng bá hình ảnh, và thực hiện các hoạt động xã hội ngay dưới hầm (tất nhiên là không gian hầm phải lớn hơn mới làm được).

Cho nên, theo tôi nghĩ thì hầm đi bộ vẫn là một giải pháp "có thể thực thi được", và thay đổi được bộ mặt của Việt Nam.

Đành rằng, việc triển khai thực tế quá phũ phàng, nhưng cần phải hiểu rằng đây là một giải pháp tốt (trước khi có một giải pháp khác tốt hơn). Nên thay vì tìm cách để đì nó xuống bùn (như báo chí đã làm), thì (1) hãy cho nó một cơ hội và dốc hết khả năng để làm tới cùng và khuyến khích, còn nếu nó thật sự không thể làm được thì (2) hãy tìm kiếm một giải pháp khác tốt hơn. Mà nói chung, tôi có thù với báo chí, nhất là mấy bài báo chê bai từ trên xuống mà không có đề xuất hướng đi nào khác. (^.^)

1 comment:

  1. Rất hay!
    Vấn đề 2 thì đê vì trước đây ở Sing cũng buôn bán như vậy nhưng sau khi có underpass và khuyến khích thị họ chuyển xuống underpass, hàng quán thức ăn xe đẩy thì dồn vô food court.

    Vấn đề 3 và 4 thì thực sự cần ý kiến chuyên môn.

    ReplyDelete