Wednesday, March 27, 2019

Tại sao các nước phát triển thường có tỷ lệ ung thư cao?

Phần lớn ung thư ở các nước phát triển là ung thư da. Theo ý kiến cá nhân mình thì có 4 nguyên nhân:

Thứ nhất là do thiếu hắc tố (Melanin). Hắc tố này có màu đen hoặc nâu, có nhiều trong da người da màu, nhưng rất ít trong sắc dân da trắng (chính vì vậy nên da họ trắng). Melanin có tác dụng chống lại đến 99% lượng UV đi vào cơ thể, và do đó giảm khả năng ung thư da một cách đáng kể. Đây chính là nguyên nhân chính.

Thứ hai là thói quen của người da trắng là họ thích ra ngoài nắng, đi tắm nắng. Tất nhiên, họ thường bôi kem, nhưng việc phơi nhiễm quá lâu trước ánh nắng trực tiếp cũng có những tác động của mình. Hơn nữa, việc tích tụ theo năm tháng cũng ảnh hưởng khá lớn, do đó khi về già họ sẽ có xu hướng dễ bị ung thư da hơn.

Thứ 3 là tầng ozone vốn dày ở vùng gần xích đạo và mỏng hơn ở gần cực. Các nước phát triển mà bạn liệt kê thường nằm trong nhóm nước ôn đới hoặc hàn đới, vốn có tầng ozone mỏng hơn nhiều so với các nước nhiệt đới như Việt Nam. Thậm chí, vùng Nam Cực còn bị thủng ozone luôn rồi, các nước như Úc và New Zealand bị ảnh hưởng nặng nhất về vụ này.

Thứ 4 là mức độ an toàn ở các nước phát triển khá tốt, nên người ta ít bị chết bởi các nguyên nhân bệnh tật hoặc tai nạn, do đó họ sẽ bị già hơn và lượng ung thư sẽ tích tụ đủ để bùng phát. Cứ nghĩ mà xem, một người có mầm ung thư trong người, bị tai nạn giao thông chết thì người ta sẽ nói nguyên nhân chết là gì? VN và các nước đang phát triển thường thuộc nhóm dễ chết vì tai nạn giao thông nhất, trong khi các nước châu Phi thì lại dễ chết do bệnh tật cộng thêm y tế yếu kém, còn nhiều nước thì chết vì chiến tranh.

Tóm lại, do đặc thù mỗi nước mà sẽ có nhiều nguyên nhân tử vong khác nhau. Thống kê chỉ có ý nghĩa khi xét các điều kiện tương đồng mà thôi, ví dụ cùng một sắc dân da trắng, nhưng Úc và NZ có tỷ lệ cao hơn hẳn Mỹ và Châu Âu, do đó dân ở đây cần chú ý hơn. Chứ so giữa Úc với VN thì hơi lệch.

Saturday, March 23, 2019

Tại sao trái đất và các hành tinh có dạng khối cầu?

Trước hết, ai cũng biết là các phân tử, nguyên tử có xu hướng dính lại với nhau, hình thành nên các tinh thể và đại phân tử. Vậy mình sẽ giải thích từ đó.

Nếu bạn có 2 trái bóng bàn, muốn để nó gần nhau nhất thì nó phải dính với nhau, 3 trái thì phải thành hình tam giác, 4 trái thì thành hình tam diện. Và khi nhiều trái hơn thì chúng nó càng gần đến trạng thái hình khối cầu nhất. Vì khi đó tổng khoảng cách giữa chúng là ngắn nhất. Như bạn cũng có thể biết, khi khoảng cách ngắn nhất thì lực hấp dẫn và lực điện từ giữa chúng cũng là cao nhất.

Và vì trái đất là tập hợp của những phân tử nhỏ, lại có lực hấp dẫn và điện từ kéo lại với nhau, nên các phân tử này sẽ tập hợp lại thành hình cầu, vì như vậy là khoảng cách tối ưu nhất, lực hấp dẫn giữa chúng cũng cao nhất.

Tuy nhiên, đôi lúc các phân tử không dễ di chuyển để đạt trạng thái tròn nhất, nguyên nhân là vì lực hút giữa các phân tử gần nhau quá lớn, làm chúng dính chặt vào nhau, hình thành nên các tinh thể và đại phân tử.

Do đó, có thể hiểu là: nếu lực hút giữa những phân tử gần nhau mà quá lớn so với các phân tử cách xa hơn, khi đó chúng nó có xu hướng dồn cục lại, hơn là phân tán đều ra. Ví dụ như cục đá thì dính rất chặt nhau, và không dễ gì bị các phân tử nước làm tách ra cho đều. Vấn đề này nghiên cứu sâu rất phức tạp, tạm không bàn tiếp ở đây.

Nhưng vì vậy mà ta có thể thấy là không khí và nước sẽ có xu hướng tròn trịa nhất. Do đó, khi nhìn trái đất chúng ta sẽ thấy nó gần như hình cầu.

Và vì các chất rắn không dễ gì phân tán đều, nên nếu bỏ lớp không khí và nước đi thì trái đất không được tròn trịa lắm, sẽ có điểm rất cao như dãy Himalayas, Alps, Andes,... nhưng cũng có điểm rất sâu như ở lòng đại dương. Mặc dù nhìn từ xa nó cũng có vẻ có hình cầu, do còn lớp mắc ma bên dưới vỏ trái đất, lớp này lại là chất lỏng nên dễ biến thành hình cầu.

Tóm lại, nguyên nhân là:


  • Do lực hút (hấp dẫn hoặc điện từ) giữa các phân tử.
  • Lực hút này không đều, quá mạnh giữa chất rắn, và yếu hơn ở lỏng và khí.
  • Trái Đất có dạng khối cầu do lớp không khí và nước.
  • Nếu bỏ khí và nước đi thì bề mặt hơi sần sùi do chất rắn.
  • Tuy hơi sần sùi nhưng vẫn gần với hình cầu do lớp mắc ma lỏng bên dưới.

Thursday, March 21, 2019

Có nên cấm xe máy ở các thành phố lớn?

Theo ý kiến cá nhân, thì xã hội càng hiện đại lại cần càng giảm phương tiện giao thông cá nhân. Có 2 nguyên nhân:

1. Nó gây hại cho con người, như ô nhiễm, tắc đường, và dễ gây tai nạn giao thông.

2. Về lâu dài, giao thông công cộng sẽ không phát triển được, và người dân sẽ không có thói quen đi bộ nhiều (vốn sẽ tăng cường sức khoẻ).

Mình chưa đi nhiều nước, nhưng đang sống ở Sydney. Tuy không có luật cấm phương tiện cá nhân ở CBD, nhưng việc phí đậu xe quá cao, và số chỗ đậu xe có giới hạn, nên rất bất tiện. Không có cách nào khác, người dân phải ưu tiên dùng train hoặc bus, và thường phải đi bộ thêm 10 phút nữa mới đến chỗ làm (nếu họ đi xe riêng, từ bãi đậu xe đến chỗ làm có thể tốn nhiều hơn).

Tất nhiên, ai cũng hiểu là "bus phải chất lượng thì người dân mới đi", nhưng "bus không thể tốt nếu cứ đi một chút là tắc đường được", và như vậy cái vòng lẩn quẩn sẽ không bao giờ kết thúc.

Nếu muốn kết thúc vấn đề này, thì phải có giải pháp.

Ở đây, tôi không hẳn là ủng hộ cấm xe máy, nãy giờ phân tích chỉ là "muốn hiện đại thì phải như thế". Chính quyền Hà Nội đã chọn một giải pháp là cấm xe máy, ép người dân phải đi bus, và làm rộng đường cho bus chạy. Giải pháp thì cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng đúng sai, nên hiện tại cũng rất khó nói. Quan trọng là: Giờ có giải pháp nào không? Hay là chấp nhận đó là một thành phố lộn xộn (không phải thành phố hiện đại nữa)?