Friday, October 18, 2019

Ghi lại một lần có những giấc mơ chồng lên nhau

Những giấc mơ nhiều lớp khiến mình cảm thấy thật khó chịu.

Vừa rồi, trong giấc mơ, huyền ảo và mộng mị, ở đâu đó vang lên bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Thấy hay quá, nhưng biết chắc là mình đang mơ nên mình cố gắng nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, cố gắng thuộc nó, để khi thức giấc là ghi lại liền. Vì thông thường, tôi biết là phần lớn trường hợp chúng ta không nhớ rõ tất cả mọi chi tiết trong giấc mơ.

Lúc tỉnh dậy, tôi vớ ngay chiếc laptop, bật lên và viết lại liền. Nhìn đồng hồ khoảng 4h sáng. Bấm vào nút new note mới phát hiện ra điều kỳ lạ: Dù đã bấm new note nhưng màn hình vẫn còn các note cũ, mặc dù nó chừa ra một khoảng trắng để viết note mới, và thêm dòng giải thích đây là tính năng mới. Mình nhìn vào nó, và đoán chắc là mình vẫn còn ở trong giấc mơ khác vì một tính năng ngu ngốc đến thế thì không bao giờ Apple làm, mình chỉ mới tỉnh dậy trong một giấc mơ mà thôi. Mình cũng ráng viết lại, nhưng chợt phát hiện ra quên mất câu thứ 3 trong bài thơ. Lại phải cố nhẩm lại để không quên nốt 3 câu còn sót lại.

Cuối cùng tôi cũng tỉnh giấc, lúc này là 6h15, giờ thức dậy thường lệ. Mình cố nhẩm lại bài thơ trước khi làm cái gì. Và chộp lấy laptop để ghi lại. Kết quả chỉ còn lại 2 câu đầu. Nhưng cái cảm giác của bài thơ thì vẫn còn, và mình dùng cái cảm giác đó để viết lại 2 câu cuối. Mặc dù có cảm giác 2 câu cuối vẫn chưa đúng lắm, nhưng cái cảm giác thì giống như vậy.

Bài thơ:
Em giờ như giông bão
Giữa cát biển rì rào
Anh mênh mông khô héo
Khẩn cầu giọt mưa em
Tái bút: Còn vài ngày nữa là được về gặp vợ rồi...

Saturday, October 5, 2019

Nhớ Sài thành

Có những ký ức về những miền xa vắng mà ta muốn đặt tên là "kỷ niệm". 


Nhớ Sài thành...


Đã lâu lắm rồi ta mới lại viết blog và gọi "Sài thành" để nói về Sài Gòn...

Lần đầu tiên đến Sài thành, ta lấy xe đạp đi một vòng quanh phố. Mười mấy năm trước, cũng vào mùa này, Sài thành chả bao giờ lạnh. Tiết trời cứ ong ong, và dòng xe cứ hối hả.

Chẳng hiểu sao ta nhớ nhất góc đường Lý Thái Tổ - Tô Hiến Thành. Cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là nó nằm sẵn trong ký ức mỗi khi nhớ về lần đầu tiên đạp xe vòng quanh phố. Lần ấy, vừa đi vừa nhẩm hát bài "Katy Katy". Chỉ là thuộc bài hát đó, và thích, và hát. Lúc ấy làm gì có điện thoại để nghe nhạc.

À, mà thời ấy, điện thoại cũng chẳng nghe nhạc được. Phải nhà có điều kiện mới có cái máy nghe nhạc "bỏ túi". Gọi là "bỏ túi" nhưng nó to hơn bàn tay, và bỏ đĩa CD vào mà nghe. Và ta chẳng có.

Giờ thì điều kiện đầy đủ hơn, Spotify toàn nhạc chất lượng, chỉ là chẳng còn ở Sài thành nữa.

Thời ấy, ta chẳng sợ gì. Giữa trưa gắt nắng, không áo khoác, không áo dài tay. Bụi đường mù mịt, không khẩu trang. Dòng xe tấp nập, cứ tiếp tục cưỡi chiếc xe đạp cà tàng lông dông giữa phố.

Nhưng đó là cả một trải nghiệm mới. Của một thằng trai quê, lần đầu tiên thấy ngã tư đèn xanh đỏ...

Nhiều người thường nghĩ đi Sài Gòn là phải biết chỗ này chỗ kia, những nơi nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, dinh Độc Lập, công viên Tao Đàn,... Còn ta, ta chỉ quan tâm đến góc phố nhỏ, và những cảnh thường nhật. Cái thường nhật được gộp lại từ những khoảng khắc vĩnh viễn không lặp lại.

Cái thú đi lông nhông ngoài đường không vì mục đích đó chưa bao giờ thay đổi. Dù ở Sài thành, hay một nơi nào khác.

Sydney sáng nay mưa. Cái mưa xuân rả rích. Cái mưa mà hiếm lắm ở Sài thành mới có. Mưa Sài thành thì cũng như con người ở đó, ồn ào và hối hả, quyết đoán và thẳng thừng. Cứ như trời không phải là ông mà là một cô gái. Giận. Bưng xô nước. Tạt cái ào...

Ở đây ngược mùa với Sài thành, giờ này đang giữa xuân, chuẩn bị vào mùa hè. Phút giao mùa khiến thời tiết thay đổi liên tục, hôm qua nóng oi oi, sáng nay lại mưa lâm thâm. Tiếng mưa gõ vào mái tôn. Lộp cộp. Và khe khẽ. Nhẹ nhàng đến mức mà ta tưởng cứ như nghe tiếng mưa gõ vào lá ở xa xa...

Nhưng sẽ mưa cả ngày cho mà xem. Mưa lại kèm gió. Gió nhẹ. Nhẹ lắm. Nhưng buốt tận xương...

Đêm đêm nằm mơ phố,
Chân rơi nhoè trên mái,
Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà.

Anh như là sương khói,
Mong manh về trên phố,
Đâu hay một hôm gió mùa thu.



Đôi dòng bình nhạc


Trong màn đêm cô quạnh, vô tình mơ về những kỷ ức xa vắng. Nhưng cơn mưa kéo mình về với thực tại. Mà đó có phải là thực tại không? Sao nghe tiếng mưa cứ ngỡ như tiếng bước chân của ai đó, bước khẽ trên mái nhà. Tiếng chân khẽ nhưng lại nhoè đi như hạt mưa, tan biến vào màn đêm tịch liêu.

Ờ. Chắc là hạt mưa thôi. Cớ sao cứ mong tiếng chân ai đó trở lại thăm nhà nhỉ? Có phải vì hoàng hôn hôm nay khiến ta nhớ về hoàng hôn của bao năm trước. Khi mà ai đó cũng đã về thăm nhà.

Ấy là người ấy, hay là sương khói, hay người ấy chính là sương khói? Cớ sao cứ mong manh và mờ ảo đậu lại trên phố. Chỉ là vô tình người ấy về lại trên phố mà thôi, phải không? Mình sợ cái mong manh ấy, cái mong manh như làn khói, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ thổi đi, và tan biến mãi mãi.

Và rồi có một cơn gió đến. Gió mùa thu. Mùa thu se lạnh. Gió nhẹ nhàng. Cuốn phăng những chiếc là cây lìa cành. Xạc xào mặt đất.

Gió cuốn khói sương đi mất. Chỉ là tại gió mà thôi... Không phải lỗi tại sương khói quá mong manh đâu nhỉ...

Wednesday, September 25, 2019

Bình nhạc: Ngày chưa giông bão

Ca khúc thể hiện với giọng trầm buồn về một chuyện tình không biết đúng hay sai. Liên tiếp trong ca khúc, tình yêu được sánh với nhiều hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ và trường tồn, giống như một tình yêu đã trải qua nhiều giông bão mà cứ ngỡ như chưa từng qua sóng gió nào. 



Anh là gió, và em là nước. Và tình yêu của ta như sóng vỗ trên mặt hồ, nơi gió và nước gặp nhau và hôn một nụ hôn bất tận như sóng không bao giờ buông mặt hồ.

Anh là thuyền, và em là bờ. Và dù cho mất bao nhiêu ngày tháng thuyền xa bờ ra khơi đi nữa, thuyền cũng sẽ về lại bến bờ đang ngày đêm đợi. Đó có phải là câu chuyện đã được dệt thành thơ không anh nhỉ?

Và anh xem em như đoá hoa, mỏng manh yếu đuối, nhưng đẹp thuần khiết, và đáng được anh nâng niu bằng tất cả yêu thương. Còn em xem anh như vầng trăng ngọc ngà trên cao, chiếu sáng con đường của em, và cho em động lực để bước đi... Bước đi cùng anh... Đi qua non ngàn... Em không để anh đi một mình nữa mà sánh bước cùng anh, mình cùng tự do như mây vàng trên trời, cứ để gió thổi đi. Em không sợ gì cả, em cũng chẳng cần gì cả... Chỉ có anh mà thôi.

Thế gian này ở đâu với em cũng là nhà. Vì anh chính là ngôi nhà ấm áp của em.

Chúng ta cứ bước đi cùng nhau như thế mãi, anh nhé!

Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng tươi đẹp.

Anh như là đám mây, để rồi khi đi qua thung lũng, có một thứ như là bóng đêm ghì bàn chân của anh xuống. Và anh phải một mình đối diện với nó, cố gắng vượt qua nó. Đời khiến anh uất nghẹn, chẳng thể luyến lưu với dòng đời xuôi ngược ấy. Em vẫn chẳng thể làm được gì, chỉ mong có thể làm nguôi đi nỗi lòng của anh.

Em muốn anh biết rằng, dù thế giới này có sụp đổ thì em cũng sẽ không rời bỏ anh, vì tình yêu của em vẫn vĩnh hằng như thế, và vẫn mãi thấy đau cho mỗi lần anh gục ngã. Như vậy chính là thấy đau vì vẫn còn thương đúng không? Thế thì anh vẫn chưa mất tất cả đâu, anh vẫn còn một thứ quan trọng nhất, để anh có thể vượt qua giông bão, biết đâu sau đó sẽ là những ngày tươi đẹp. Mạnh mẽ lên, anh ơi!

Và rồi anh đã lạc bước...

Anh đã chôn vùi mình trong những thứ đam mê tăm tối. Em tự hỏi con người ngày xưa mà em đã từng thân thuộc nay đâu rồi? Anh có còn nhớ tới em và những kỷ niệm chan hoà với em hay không?

Và liệu với vẻ ngoài lạnh băng cả tiếng khóc cười ấy, có khi nào con tim anh còn chút ấm nóng và thổn thức về một cuộc tình sâu đậm ngày xưa ấy? Chắc là có chứ, cớ sao anh cứ như ở nơi xa xôi vô lối thế?

Nếu mặt đất này níu giữ chúng ta trong cái mối tương quan gọi là trách nhiệm, thì hãy bay lên khỏi khỏi mặt đất... Anh nhé... Dù chỉ là bay trong một giấc mơ mà thôi.

Một giấc mơ kỳ lạ, mà ở đó anh vẫn là người yêu thương em chan hoà, và chúng ta quấn quít lấy nhau như những ngày đầu tiên.

Dẫu cho trần gian có cho anh nhiều đắng cay và thấm mệt với thất bại, thì em vẫn ở đó với anh. Cũng giống anh đã từng là ngôi nhà của em, em cũng muốn chở che cho anh khi anh gục ngã, và tìm một nơi nương náu.

Em sẽ mãi là nhà của anh trở về.

Dẫu anh có đi xa, vượt qua muôn ngàn thung lũng, và bóng đêm nặng nề phủ lên lối anh đi. Dẫu cho đời có khiến anh chẳng còn nhiều luyến lưu gì và muốn vứt hết tất cả.

Thì em vẫn muốn ở bên anh, chỉ là để lau dần nước mắt của anh mà thôi.

Chẳng cần quan trọng chuyện chúng ta yêu nhau là sai hay là đúng, chỉ cần biết rằng em còn thấy đau là em còn thương anh...

Vì thế hãy cứ bước tiếp, cùng nhau, vượt qua những ngày giông bão. Để đến nơi hết muộn sầu.

Cuộc đời là như thế mà...

Lúc thì phải mạnh mẽ vượt qua thung lũng rộng lớn. Lúc thì phải chống chọi lại bóng đêm đang ghì chân chúng ta. Lúc thì cuộc đời đầy đưa chúng ta vào bước đường cùng mà chẳng ai còn luyến lưu gì cả. Và em chỉ mong được giúp anh gạt nước mắt qua một bên.

Anh cũng không nên tự vấn rằng ta yêu là sai hay đúng. Điều đó thật sự chẳng có ý nghĩa gì cả. Chỉ có một điều quan trọng mà thôi: Rằng chúng ta còn thấy đau đáu về nhau là vẫn còn yêu nhau.

Giông bão ngày hôm nay rồi sẽ tan đi mà thôi. Sau cơn giông trời lại sáng mà, biết đâu chúng ta sẽ đi đến nơi của những ngày xưa ấy.

Những ngày mà anh là gió vĩnh cữu và em là nước mênh mang.

Hết muộn sầu...

Tuesday, July 9, 2019

Hiểu như thế nào về bầu cử dân chủ?

Bài viết là một câu trả lời cho một câu hỏi ở đây: https://ereka.vn/post/goc-tranh-bien-xa-hoi-dan-chu-vs-khong-dan-chu-495271702810928428

Thứ nhất, tôi cho rằng người hỏi hơi nhập nhằng giữa việc "điều hành" và "bầu cử".

Việc điều hành của một chính phủ bất kỳ là công việc của một nhóm nhỏ người. Trong khi việc bầu cử là việc rộng khắp. Và trong khi giới chính trị gia nói rằng "bầu cử là hình thức quyết định điều hành của chính quyền", thực tế diễn ra lại chỉ là "bầu cử là hình thức quyết định bên nào được chọn điều hành".

Tức là, người dân (dù là dân đen và ngu muội đi nữa), thì việc đóng góp vào xây dựng đất nước thông qua lá phiếu của họ chỉ đơn giản là: Có 2 bên (hoặc nhiều bên) và họ cần phải chọn một. Bên nào được chọn nhiều nhất thì bên đó được quyền điều hành, và đưa ra các quyết định của mình.
Đây chính là hình thức dân chủ theo phổ thông đầu phiếu.

Và việc đất nước được điều hành như thế nào phụ thuộc vào các bên tham gia tranh cử, nếu các bên đó là người tốt, có trình độ cao, chọn giải pháp tuyệt vời, linh động trong các diễn biến tương lai,... thì đất nước đó được điều hành tốt.

Bạn có thể vin cớ rằng: Nếu người dân ngu nên chọn bên không tốt. Thì thực ra trong đó có tới 2 vấn đề:
  • Một là đất nước không được vận hành bởi tầng lớp tinh anh, mà vẫn còn bị len vào đó giới chính trị gia không tốt.
  • Hai là người dân ngu quá mức nên mới không chọn nhóm tốt mà chọn nhóm không tốt.
Nói cách khác, chúng ta KHÔNG CHỈ đổ lỗi cho người dân ngu, mà còn vì tầng lớp tinh anh không được tham gia chính trị.

Khi nhìn vấn đề như vậy, không thể không thấy rằng: Một quốc gia kém phát triển hay đang phát triển hay đã phát triển đều như nhau cả, quan trọng là tầng lớp có học thức được quyền lãnh đạo hay không, và người dân có biết chọn người học thức làm lãnh đạo hay không? Nếu cả 2 điều trên mà KHÔNG, thì đất nước sẽ dễ bị tàn phá, còn nếu chỉ 1 trong 2 thì chưa chắc.

Đó chính là nguyên tắc của dân chủ phương Tây, vốn được nghiên cứu qua rất nhiều thế hệ triết gia.

Thứ hai, cách thức vận hành của các chính quyền dân chủ thật sự thì không chỉ có "lá phiếu bầu cử".
Điểm mấu chốt của nó là "tam quyền phân lập" và "quyền lực thứ tư".

Bỏ qua 2 yếu tố này là hiểu sai về hệ thống dân chủ.

Tam quyền phân lập trao quyền lực rất lớn và trực tiếp cho hành pháp, để người lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh và triển khai ngay lập tức. Tuy nhiên, lại đặt một yêu cầu kiểm soát từ lập pháp, khi họ có thể chất vấn và thậm chí là huỷ bỏ bất cứ một mệnh lệnh nào của người lãnh đạo hành pháp. Việc này sẽ giúp cho trường hợp người lãnh đạo không đủ khả năng, hoặc phán đoán sai, hoặc đưa ra quyết định cá nhân hay cục bộ và phe nhóm,... bị phát hiện và ngăn chặn bởi bên lập pháp, vốn có rất rất nhiều đại biểu (cũng là người có học thức và hiểu biết).

Tam quyền phân lập còn dựng lên một nhánh tư pháp độc lập và có quyền lực tối thượng, nhưng thứ quyền lực này lại không thể gây ảnh hưởng trực tiếp, và vì thế nó bị giới hạn ảnh hưởng khi tư pháp quyết định sai ảnh hưởng đến đất nước.

Như vậy, tam quyền phân lập tạo ra thế chân vạc giữa 3 bên:
  • Hành pháp có một người (hoặc một đảng) có thể ra mọi quyết định, và áp dụng ngay lập tức đến đất nước.
  • Lập pháp có thể ngăn chặn mọi quyết định của hành pháp, nhưng phải thông qua cơ chế bỏ phiếu và tranh luận công khai.
  • Tư pháp lại có quyền tối thượng, huỷ bỏ mọi quyết định của hành pháp, nhưng phải thực hiện đằng sau một lô các thủ tục pháp lý và tranh biện rất nhiều.
Nếu thế chân vạc này đổ vỡ, tức là 2 bên còn yếu so với bên còn lại, hoặc có một bên thứ tư đứng ra "lãnh đạo" cả 3 bên, thì đất nước sẽ rơi vào vòng xoáy tập trung quyền lực và mất đi dân chủ đúng nghĩa. Tất nhiên, sau đó thì tham nhũng (của phe đang lãnh đạo) sẽ không kiểm soát nổi và người dân sẽ xem lá phiếu bầu cử là hình thức.

Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là: Trong khi lập pháp được hình thành từ lá phiếu của người dân, thì tư pháp lại được hình thành từ tầng lớp tinh anh có hiểu biết sâu rộng. Chính xác hơn thì tư pháp xuất hiện KHÔNG PHẢI TRỰC TIẾP của người dân. Và vì thế nên không có chuyện "dân ngu" thì chọn ra tư pháp cũng ngu theo. Vấn đề chỉ là nếu cả nước không có người trí thức đủ để làm tư pháp thì mới có vấn đề.

Việc hình thành nhánh hành pháp thì mỗi nước lại có một lựa chọn riêng, Mỹ thì người dân tự bầu tổng thống độc lập với lập pháp, Úc thì phe đa số ở lập pháp sẽ chỉ định thủ tướng, ở Pháp thì người ta bầu tổng thống nhưng thủ tướng sẽ được chỉ định,... Có thể xem là tuỳ mỗi nước mà hình thức là pha trộn giữa "bầu tự do" hay "chọn trong giới tinh anh".

Friday, June 7, 2019

Bình nhạc: Có chàng trai viết lên cây

Bài hát kể về một câu chuyện của một chàng trai ôm một mối tình đơn phương, lặng lẽ chỉ dám nhìn đôi mắt biếc từ xa. Ngày ngày đến trường, chỉ thoáng gặp nàng, nhưng cũng đủ để gieo thêm tương tư vào lòng chàng.

Lời yêu thương không dám nói, chàng trai chỉ dám khắc lên cây, nhờ gió và mây đưa đi theo mùa thu. Mùa thu nơi mà đôi mắt biếc đã vô tình đến và biến mọi thứ trở nên có ý nghĩa… trước mắt chàng. 

Rồi một ngày, bình yên của chàng bị phá tan khi biết được nàng sắp đi xa theo chân mẹ cha. Tình yêu của một đứa trẻ con, bị cuốn phăng đi vội vã. Dẫu vẫn mong một ngày nàng sẽ trở về lại thung lũng xưa. 

Đúng thế, nàng trở về. Sau một thời gian rất dài, khi hai đứa trẻ đã lớn. Thì nàng đã trở về lại chốn xưa. Có điều nàng không trở về một mình… 

Hai thân phận giờ đã khác. Dẫu cho tên của người vẫn vậy. Dẫu cho chàng vẫn vậy… Nhưng giờ đây, nàng đã là người có chồng. 

À… Thì ra, xa nhau là mất… Tay không chung đôi thì mất là đúng rồi. 

Chỉ có giấc mơ vẫn còn. Giấc mơ ấy vốn đã được vẽ bằng dịu êm ngày thơ. Và có lẽ nó cần được chôn đi… Chôn vào sâu thẳm tâm hồn chàng. Nơi mà người ta vẫn gọi là tiềm thức. 

Chàng ra đi.

Ngược xuôi. Bon chen. Nơi đất khách.

Người ta bảo thời gian là liều thuốc hữu hiệu cho trái tim. Quả thế thật…

Ít lâu sau, chàng quen một cô gái. Một cô gái tốt. Một cô gái giúp chàng tìm lại được một chút yêu thương. Một cô gái đã giúp chàng bước ra khỏi cái hoài niệm xưa cũ.

Dẫu cô gái ấy không có đôi mắt biếc của mùa thu.

Mọi chuyện cứ thế an bài cho chàng với một đám cưới sắp đến gần, giữa chốn thành thị ồn ào và tất bật.

Trước khi một cơn mưa dẫn lối chàng gặp lại người xưa… Vẫn đôi mắt biếc mùa thu của ngày ấy, nhưng nay đã biết buồn đau. Vẫn bờ vai nhỏ nhắn và gầy xương ngày ấy, nhưng nay đã phải bồng thêm con. Vẫn con người đã từng khiến chàng thổn thức ngày ấy, nhưng nay phải vội vàng chạy trốn khỏi một kẻ được gọi là chồng.

Ngày cô ấy đi theo chân mẹ cha
Chàng trai bơ vơ từ xa
Trong tim hụt hẫng
Như mất một thứ gì
Không ai hiểu thấu
Vì tình yêu những đứa trẻ con thì
Vu vơ nhanh qua đâu nghĩ gieo
Tương tư đến dài như thế

Đời muôn ngả
Mang số kiếp đổi thay
Rồi khi tình cờ gặp lại
Hai thân phận khác
Dẫu tên người vẫn vậy
Có một người vẫn vậy
Thì ra xa nhau là mất thôi
Tay không chung đôi
Chỉ giấc mơ vẫn còn
Bồi hồi trọn đời



Monday, April 15, 2019

Có nên chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ cấp?


Đôi dòng ngoài lề: Mình không thích việc dùng chữ "ngôn ngữ thứ hai" trong hoàn cảnh này, vì nó như là sự phân biệt với các dân tộc thiểu số vốn sử dụng Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai rồi. Chúng ta nên dùng từ "ngôn ngữ thứ cấp" hoặc "ngôn ngữ hành chính" (2 ý nghĩa khác nhau, xài từ nào tuỳ hoàn cảnh) sẽ tốt hơn.

Xu hướng hội nhập toàn cầu, dùng tiếng Anh là gần như chắc chắn, nhưng ở đây có 2 phần cần xét đến:

1. Là với người Việt.

2. Là với người nước ngoài đến VN.

Nói trường hợp người nước ngoài thì sẽ thấy họ dễ dàng như thế nào nếu xung quanh mọi người đều biết nói tiếng Anh. Đặc biệt nhất là các cơ quan trong chính quyền, và các biển báo/thông báo. Họ sẽ nắm bắt được lối sống nhanh hơn, và sẽ thu hút du lịch hơn rất nhiều.

Đặt ngược câu hỏi, liệu không cần đưa tiếng Anh làm "ngôn ngữ thứ cấp" mà chỉ đưa vào "ngôn ngữ hành chính" thì đã đủ? Tôi nghĩ là thế đã đủ rồi... Chỉ cần các biển báo trên đường, hoặc thông báo ở trên bus, bệnh viện, bưu điện,... bằng tiếng Anh là quá đủ để người ta tiếp cận thông tin. Việc có thêm nhiều người nói tiếng Anh cũng không hẳn giúp được, vì muốn nghe và hiểu thì phải nghe được accent, mình nói accent khác thì họ cũng không nghe rõ được. Tuy có lợi khi nghe nói, nhưng không hẳn là nhiều. Và việc triển khai làm "ngôn ngữ hành chính" thì không cần bộ giáo dục lên tiếng, chỉ cần Chính phủ đứng ra làm mà thôi.

Trường hợp với người Việt thì chuyện này rất tốt. Việc ép buộc như thế sẽ khiến người ta có tinh thần học tiếng Anh cao thêm, dễ hội nhập hơn, và dễ tìm kiếm các cơ hội đi du học. Ngược lại, cũng sẽ dễ dàng khi mời giảng viên nước ngoài về dạy.

Nhưng hiện nay thì có một số vấn đề cần giải quyết trước:
  • Trình độ giáo viên dạy tiếng Anh ở VN rất yếu. Thậm chí họ còn nói không đúng phát âm, chưa hiểu bản chất của các luyến âm trong tiếng Anh. 
  • Học sinh học khá hời hợt, mà không hề chủ động giao tiếp. Tôi không hiểu tại sao người ta lại hay cười khi nghe người ta nói tiếng Anh, và cười to nếu người ta nói không đúng. Thái độ như vậy sẽ khiến người ta chùn bước trong việc học tập. Cái quan trọng không phải là cái sai, quan trọng là phải có môi trường luyện tập liên tục. 
  • Người dân ít chịu chi cho việc học tiếng Anh. Cần phải hiểu rằng học một ngôn ngữ là cực kỳ khó so với việc học toán-lý-hoá-sử-địa bằng tiếng Việt, phạm trù của 2 quá trình học này là hoàn toàn khác nhau. Không thể cứ coi tiếng Anh là một môn như hiện tại được, nó cần được xem là một quá trình với nhiều phương pháp tổng hợp với nhau. Và do đó, chi phí để học thêm là cực kỳ cần thiết, dù cho có tốn kém. Với môn toán, bạn chỉ cần đến lớp với 1 người thầy dạy là đủ. Nhưng với môn tiếng Anh, để tốt nhất thì bạn cần phải có 3-5 giáo viên dạy luân phiên nhau bằng các phương pháp khác nhau mới tốt. 
Nếu không giải quyết 3 vấn đề trên, thì việc đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ cấp chỉ là chuyện đùa. Và chúng ta sẽ không có lớp trẻ biết English, mà chỉ bồi bổ một bộ môn mới là Vietlish, giống như Singapore có Singlish vậy (nhưng không chắc là hàm lượng tiếng Việt trong câu có nhiều hơn tiếng Anh không nữa).

Friday, April 12, 2019

Người Việt yếu về khả năng tranh luận?

Mình đồng ý với quan điểm này. Nhưng nói chính xác hơn thì người Việt không biết tranh luận và cũng không muốn tranh luận.

Thứ nhất là khi thấy người khác sai thì thường không còn tôn trọng người khác, chưa tách bạch được "ý kiến", "quan điểm" và "chính con người đó". Thấy người ta có quan điểm sai thì cho rằng con người của họ là không tốt.

Thứ hai là thường hiểu nhầm ý người khác, và "suy bụng ta ra bụng người", "nhét chữ vào miệng người khác".

Tiếp theo là có thái độ kiểu "người nào không ủng hộ mình thì là thuộc phe chống mình". Thực tế thì một người không ủng hộ mình ở mặt này nhưng họ có thể ủng hộ mình ở mặt khác.

Thứ tư là ngại tranh luận, nhất là khi thấy người khác nói khác ý mình thì thường cho rằng "một sự nhịn chín sự lành".

Ngược lại, tuy không tranh luận trực tiếp, nhưng lại thích nói xấu sau lưng.

Và cuối cùng, rất thường vơ đũa cả nắm... 5 chuyện mình vừa nói chỉ đúng với vài người, và thường người này dính chuyện này không dính chuyện kia. Thế nhưng rất nhiều đặt vấn đề cứ như là chuyện chung của toàn người VN. Và tất nhiên, nên biết rằng các tính xấu đó cũng có ở dân các nước khác nữa.

Tóm lại, nhìn ra vấn đề của chính mỗi người thì tốt hơn là cứ bàn chuyện xa vời như "người VN có tật này tật kia".

Thi Đại Học ồ ạt có dẫn tới thất nghiệp trong tương lai?

Xét về bài toán vĩ mô của nhân lực, chúng ta cần phải hiểu rằng có 3 nhóm nhân lực trong bất cứ ngành nghề nào:

1. Nhóm cao cấp là vừa giỏi vừa ham học hỏi và ham làm. Có thể nhảy từ chuyện nọ sang chuyện kia, nhiệt tình trong việc thách thức cái mới.

2. Nhóm trung cấp là khá giỏi, có thể làm được mọi việc được giao, đạt mức lương cao, học hỏi nhanh,...

3. Nhóm cơ bản thì chỉ biết những gì được dạy (hoặc thấp hơn thế), giao việc thì làm mà không trôi chảy lắm,...

Vấn đề nằm ở chỗ nhóm 1 rất hiếm, nhóm 2 thì cũng ít, nhưng nhóm 3 thì nhiều, và người tuyển dụng thì chỉ thích nhóm 1, nếu không có thì mới chọn nhóm 2, và sẵn sàng cho nhóm 3 ra rìa.

Năm nào cũng tuyển sinh, vì các trường muốn tìm được nhóm 1 và 2 trong hàng ngàn đến trăm ngàn học sinh, đưa vào trường giảng dạy để tăng uy tín của trường. Và những người thuộc nhóm 1 chắc chắn sẽ không có cửa thất nghiệp, vì lượng công việc ở một quốc gia lúc nào cũng đủ để cover 70% người dân. Nếu các trường giảm số tuyển sinh, không có gì đảm bảo là họ không rơi vào tình trạng chỉ nhận được nhóm 1.

Chuyện thất nghiệp, bạn cứ tưởng tượng là nhóm 1 có 5% thôi, nhóm 2 thì 30% tiếp theo. 2 cái cộng lại mới có 1/3. Trong khi công việc thì lúc nào cũng có sẵn cho 2/3 người, vậy thì nhóm 1 và 2 không thể thất nghiệp được. Có chăng là nhóm 3 sẽ có 1/2 thất nghiệp, hoặc phải đổi ngành.

Bạn nghĩ đó là phí? Không hề. Nếu không có đội ngũ thất nghiệp thì lấy gì đảm bảo nhóm 2 sẽ cố gắng? Cố gắng làm gì khi họ không cố gắng thì cũng chả có ai tranh suất với họ? Vì nhóm 2 cố gắng, nên nhiều người nhóm 1 sẽ lo sợ mất suất. Đó chính là cái mà người ta gọi là "động lực xã hội", khi mà người này sợ mất phần vào người khác nên họ mới nỗ lực hơn.

Muốn không thất nghiệp thì phải cố gắng. Và cố gắng nhiều hơn.

Khi tôi còn ở VN, tôi cũng thuộc nhóm được các công ty săn đuổi liên tục... Họ liên hệ không phải để kêu đi phỏng vấn, mà họ muốn sắp xếp cuộc gặp với các sếp bên họ để nói chuyện và tìm kiếm con đường chung. Mình không khoe, chỉ muốn cho bạn biết rằng phải nỗ lực rất nhiều rất nhiều...

Thursday, April 11, 2019

El-Nino là gì?

El-Nino là một giai đoạn trong Dao động phương Nam (El Niño–Southern Oscillation), bao gồm El Niño, La Niña và Neutral (trung tính).

Nguyên nhân sâu xa của nó là do chuyển động dưới đại dương, xuất phát từ dòng biển lạnh Humboldt đi từ biển Nam về phía bắc, dọc theo bờ biển phía tây của Nam Mỹ. Đến gần xích đạo thì dòng biển này lại nổi lên gần Peru, đến bề mặt biển thì do ảnh hưởng của gió mậu dịch xích đạo, hình thành một dòng biển bề mặt đi về phía Tây của Thái Bình Dương. Nước lạnh từ dưới nổi lên, bị cuốn theo dòng về phía Tây, lại chịu ảnh hưởng của mặt trời khiến nó nóng dần lên. Người ta đo thì biển phía Tây Thái Bình Dương nóng hơn phía Đông Thái Bình Dương tầm 10ºC.

El Niño là chu kỳ nóng lên của nó, nguyên nhân nằm ở chỗ lượng nước từ dưới lên không đủ mạnh, và mặt trời hun nóng bề mặt nhiều, khiến cho nó bị nóng hơn bình thường. Nước biển bốc hơi nhiều hơn, tạo ra áp suất lớn. Tuy nhiên, vì gió mậu dịch xích đạo thổi về phía Tây, nên các nước Nam Mỹ (nằm ở phía Đông của Thái Bình Dương) không nhận được mưa. Áp suất cao mà lại không có mưa thì nóng và khó chịu khủng khiếp.

Ở chiều ngược lại, dòng biển đi về phía Tây tiếp tục nóng hơn, bốc hơi nhiều hơn, lại kết hợp với gió mậu dịch xích đạo, gây bão ở Tây Thái Bình Dương. Khu vực chịu bão này đi từ Nhật Bản xuống đến Indonesia và Bắc Úc. Chính vì vậy VN thường chịu nhiều cơn bão trong thời gian này, và không riêng gì VN, các nước Đông Nam Á cũng như vậy.

Tất nhiên, dòng biển này tiếp tục di chuyển để đi vào Ấn Độ Dương trước khi tiếp xúc Đông Phi. Khu vực đó cũng có ảnh hưởng nhưng không nhiều lắm.

La Niña là hiện tượng ngược lại, khi nước biển lạnh bên dưới nổi lên quá nhiều, mặt trời không làm nóng nổi, khiến mặt biển lạnh hơn bình thường. Việc này khiến không khí vùng Nam Mỹ, Đông Thái Bình Dương và lân cận lạnh hơn, gây nên lũ lụt ở nhiều nơi, và băng tuyết kéo dài.

Dòng biển lạnh trên bề mặt tiếp tục mang hơi lạnh đến các vùng xa hơn phía Tây Thái Bình Dương, kéo theo mùa đông đến các vùng đó.

Về cơ bản thì hiện tượng này ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu (vì đầu tiên là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là hết 2/3 diện tích thế giới rồi), lại kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết thất thường khác. Nên nó được theo dõi rất triệt để bởi tất cả các quốc gia trên thế giới.



Monday, April 8, 2019

Liệu có tự do tuyệt đối không?

Khi nói về chuyện này, tôi phải đề cập đến một quan điểm về dân chủ:

Có 2 cái nền của một thể chế dân chủ phải tôn trọng là tự dobình đẳng.

Cái đắng lòng là 2 thứ này không đi chung với nhau.

Bạn có tự do tuyệt đối thì sẽ mất bình đẳng. Ví dụ như người ta có tự do dùng vũ khi để giết người khác, và người có tiền được quyền mua hết thức ăn khiến người nghèo chết đói.

Ngược lại, bạn có bình đẳng tuyệt đối thì sẽ mất tự do. Ví dụ như người ta có quyền lấy tiền của bạn khi họ muốn, hoặc tệ hơn là ai cũng có thể xxx với vợ của bạn.

Chính vì thế, người ta sẽ hạn chế tự do và bình đẳng. Và có 2 hướng để hạn chế nó, khiến nó trở thành xã hội loài người văn minh:

1. Ưu tiên tự do, nhưng hạn chế tự do lại bằng luật pháp để nó bình đẳng hơn. Các thể chế như vậy được gọi là dân chủ tự do.

2. Ưu tiên bình đẳng, nhưng hạn chế nó bằng luật pháp để có tự do một mức nào đó. Các thể chế như thế có thể gọi là dân chủ bình đẳng, và thường được gọi cái tên mĩ miều hơn là dân chủ nhân dân.

Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, các nước phương Tây lại cho phép cả 2 trào lưu này cùng tồn tại, và họ gọi xu hướng ưu tiên tự do là cánh hữu, còn ưu tiên bình đẳng là cánh tả. Như vậy, trong chính trị phương Tây, có các xu hướng mà bạn dễ dàng nhận thấy thông qua các chính sách của các đảng phái như sau:


  • Trung dung, không thiên bên nào, và thường không có các quyết sách tốt, thường chỉ nổi lên khi có biến cố gì đó của đất nước, tham gia vào liên minh chính trị với một cánh nào đó.
  • Thiên tả, với các chính sách nghiêng về lợi ích của người dân, và phúc lợi xã hội. Đảng Dân chủ Mỹ là đại diện cho thiên tả, với chính sách ObamaCare nổi tiếng.
  • Thiên hữu, với các chính sách nghiêng về lợi ích quốc gia và hướng tới sự hùng cường của đất nước. Cái trò America First của ông Trump là hiểu rồi.
  • Tuy nhiên, lại có thêm cánh cực hữu, khi họ quá phân biệt chủng tộc và chống lại di dân. Còn cực tả thì đánh thuế vào các doanh nghiệp lớn quá nhiều.
  • Và tất nhiên, không loại trừ 2 kiểu xã hội quá mức của 2 xu hướng trên: Cực hữu quá độ và chiếm lĩnh toàn bộ xã hội thì sẽ là phát xít. Ở chiều ngược lại, cực tả quá độ và chiếm lĩnh điều hành đất nước được gọi là cộng sản.

Tất nhiên, tất cả những gì mình nói trên đều là lý thuyết, dựa trên thực tế mà tổng hợp lại. Chứ việc điều hành và các chính sách thường phụ thuộc nhiều vào thời điểm và người lãnh đạo.

Tóm lại, nếu ai đó muốn người ta được quyền giết mình bất cứ lúc nào thì hãy bàn về chuyện tự do tuyệt đối, còn lại thì quên vụ tự do tuyệt đối đi. Xã hội này không ai cần cái tự do tuyệt đối và bình đẳng tuyệt đối cả. Hihi...

Wednesday, March 27, 2019

Tại sao các nước phát triển thường có tỷ lệ ung thư cao?

Phần lớn ung thư ở các nước phát triển là ung thư da. Theo ý kiến cá nhân mình thì có 4 nguyên nhân:

Thứ nhất là do thiếu hắc tố (Melanin). Hắc tố này có màu đen hoặc nâu, có nhiều trong da người da màu, nhưng rất ít trong sắc dân da trắng (chính vì vậy nên da họ trắng). Melanin có tác dụng chống lại đến 99% lượng UV đi vào cơ thể, và do đó giảm khả năng ung thư da một cách đáng kể. Đây chính là nguyên nhân chính.

Thứ hai là thói quen của người da trắng là họ thích ra ngoài nắng, đi tắm nắng. Tất nhiên, họ thường bôi kem, nhưng việc phơi nhiễm quá lâu trước ánh nắng trực tiếp cũng có những tác động của mình. Hơn nữa, việc tích tụ theo năm tháng cũng ảnh hưởng khá lớn, do đó khi về già họ sẽ có xu hướng dễ bị ung thư da hơn.

Thứ 3 là tầng ozone vốn dày ở vùng gần xích đạo và mỏng hơn ở gần cực. Các nước phát triển mà bạn liệt kê thường nằm trong nhóm nước ôn đới hoặc hàn đới, vốn có tầng ozone mỏng hơn nhiều so với các nước nhiệt đới như Việt Nam. Thậm chí, vùng Nam Cực còn bị thủng ozone luôn rồi, các nước như Úc và New Zealand bị ảnh hưởng nặng nhất về vụ này.

Thứ 4 là mức độ an toàn ở các nước phát triển khá tốt, nên người ta ít bị chết bởi các nguyên nhân bệnh tật hoặc tai nạn, do đó họ sẽ bị già hơn và lượng ung thư sẽ tích tụ đủ để bùng phát. Cứ nghĩ mà xem, một người có mầm ung thư trong người, bị tai nạn giao thông chết thì người ta sẽ nói nguyên nhân chết là gì? VN và các nước đang phát triển thường thuộc nhóm dễ chết vì tai nạn giao thông nhất, trong khi các nước châu Phi thì lại dễ chết do bệnh tật cộng thêm y tế yếu kém, còn nhiều nước thì chết vì chiến tranh.

Tóm lại, do đặc thù mỗi nước mà sẽ có nhiều nguyên nhân tử vong khác nhau. Thống kê chỉ có ý nghĩa khi xét các điều kiện tương đồng mà thôi, ví dụ cùng một sắc dân da trắng, nhưng Úc và NZ có tỷ lệ cao hơn hẳn Mỹ và Châu Âu, do đó dân ở đây cần chú ý hơn. Chứ so giữa Úc với VN thì hơi lệch.

Saturday, March 23, 2019

Tại sao trái đất và các hành tinh có dạng khối cầu?

Trước hết, ai cũng biết là các phân tử, nguyên tử có xu hướng dính lại với nhau, hình thành nên các tinh thể và đại phân tử. Vậy mình sẽ giải thích từ đó.

Nếu bạn có 2 trái bóng bàn, muốn để nó gần nhau nhất thì nó phải dính với nhau, 3 trái thì phải thành hình tam giác, 4 trái thì thành hình tam diện. Và khi nhiều trái hơn thì chúng nó càng gần đến trạng thái hình khối cầu nhất. Vì khi đó tổng khoảng cách giữa chúng là ngắn nhất. Như bạn cũng có thể biết, khi khoảng cách ngắn nhất thì lực hấp dẫn và lực điện từ giữa chúng cũng là cao nhất.

Và vì trái đất là tập hợp của những phân tử nhỏ, lại có lực hấp dẫn và điện từ kéo lại với nhau, nên các phân tử này sẽ tập hợp lại thành hình cầu, vì như vậy là khoảng cách tối ưu nhất, lực hấp dẫn giữa chúng cũng cao nhất.

Tuy nhiên, đôi lúc các phân tử không dễ di chuyển để đạt trạng thái tròn nhất, nguyên nhân là vì lực hút giữa các phân tử gần nhau quá lớn, làm chúng dính chặt vào nhau, hình thành nên các tinh thể và đại phân tử.

Do đó, có thể hiểu là: nếu lực hút giữa những phân tử gần nhau mà quá lớn so với các phân tử cách xa hơn, khi đó chúng nó có xu hướng dồn cục lại, hơn là phân tán đều ra. Ví dụ như cục đá thì dính rất chặt nhau, và không dễ gì bị các phân tử nước làm tách ra cho đều. Vấn đề này nghiên cứu sâu rất phức tạp, tạm không bàn tiếp ở đây.

Nhưng vì vậy mà ta có thể thấy là không khí và nước sẽ có xu hướng tròn trịa nhất. Do đó, khi nhìn trái đất chúng ta sẽ thấy nó gần như hình cầu.

Và vì các chất rắn không dễ gì phân tán đều, nên nếu bỏ lớp không khí và nước đi thì trái đất không được tròn trịa lắm, sẽ có điểm rất cao như dãy Himalayas, Alps, Andes,... nhưng cũng có điểm rất sâu như ở lòng đại dương. Mặc dù nhìn từ xa nó cũng có vẻ có hình cầu, do còn lớp mắc ma bên dưới vỏ trái đất, lớp này lại là chất lỏng nên dễ biến thành hình cầu.

Tóm lại, nguyên nhân là:


  • Do lực hút (hấp dẫn hoặc điện từ) giữa các phân tử.
  • Lực hút này không đều, quá mạnh giữa chất rắn, và yếu hơn ở lỏng và khí.
  • Trái Đất có dạng khối cầu do lớp không khí và nước.
  • Nếu bỏ khí và nước đi thì bề mặt hơi sần sùi do chất rắn.
  • Tuy hơi sần sùi nhưng vẫn gần với hình cầu do lớp mắc ma lỏng bên dưới.

Thursday, March 21, 2019

Có nên cấm xe máy ở các thành phố lớn?

Theo ý kiến cá nhân, thì xã hội càng hiện đại lại cần càng giảm phương tiện giao thông cá nhân. Có 2 nguyên nhân:

1. Nó gây hại cho con người, như ô nhiễm, tắc đường, và dễ gây tai nạn giao thông.

2. Về lâu dài, giao thông công cộng sẽ không phát triển được, và người dân sẽ không có thói quen đi bộ nhiều (vốn sẽ tăng cường sức khoẻ).

Mình chưa đi nhiều nước, nhưng đang sống ở Sydney. Tuy không có luật cấm phương tiện cá nhân ở CBD, nhưng việc phí đậu xe quá cao, và số chỗ đậu xe có giới hạn, nên rất bất tiện. Không có cách nào khác, người dân phải ưu tiên dùng train hoặc bus, và thường phải đi bộ thêm 10 phút nữa mới đến chỗ làm (nếu họ đi xe riêng, từ bãi đậu xe đến chỗ làm có thể tốn nhiều hơn).

Tất nhiên, ai cũng hiểu là "bus phải chất lượng thì người dân mới đi", nhưng "bus không thể tốt nếu cứ đi một chút là tắc đường được", và như vậy cái vòng lẩn quẩn sẽ không bao giờ kết thúc.

Nếu muốn kết thúc vấn đề này, thì phải có giải pháp.

Ở đây, tôi không hẳn là ủng hộ cấm xe máy, nãy giờ phân tích chỉ là "muốn hiện đại thì phải như thế". Chính quyền Hà Nội đã chọn một giải pháp là cấm xe máy, ép người dân phải đi bus, và làm rộng đường cho bus chạy. Giải pháp thì cần rất nhiều thời gian để kiểm chứng đúng sai, nên hiện tại cũng rất khó nói. Quan trọng là: Giờ có giải pháp nào không? Hay là chấp nhận đó là một thành phố lộn xộn (không phải thành phố hiện đại nữa)?