Monday, April 15, 2019

Có nên chọn tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ cấp?


Đôi dòng ngoài lề: Mình không thích việc dùng chữ "ngôn ngữ thứ hai" trong hoàn cảnh này, vì nó như là sự phân biệt với các dân tộc thiểu số vốn sử dụng Tiếng Việt là ngôn ngữ thứ hai rồi. Chúng ta nên dùng từ "ngôn ngữ thứ cấp" hoặc "ngôn ngữ hành chính" (2 ý nghĩa khác nhau, xài từ nào tuỳ hoàn cảnh) sẽ tốt hơn.

Xu hướng hội nhập toàn cầu, dùng tiếng Anh là gần như chắc chắn, nhưng ở đây có 2 phần cần xét đến:

1. Là với người Việt.

2. Là với người nước ngoài đến VN.

Nói trường hợp người nước ngoài thì sẽ thấy họ dễ dàng như thế nào nếu xung quanh mọi người đều biết nói tiếng Anh. Đặc biệt nhất là các cơ quan trong chính quyền, và các biển báo/thông báo. Họ sẽ nắm bắt được lối sống nhanh hơn, và sẽ thu hút du lịch hơn rất nhiều.

Đặt ngược câu hỏi, liệu không cần đưa tiếng Anh làm "ngôn ngữ thứ cấp" mà chỉ đưa vào "ngôn ngữ hành chính" thì đã đủ? Tôi nghĩ là thế đã đủ rồi... Chỉ cần các biển báo trên đường, hoặc thông báo ở trên bus, bệnh viện, bưu điện,... bằng tiếng Anh là quá đủ để người ta tiếp cận thông tin. Việc có thêm nhiều người nói tiếng Anh cũng không hẳn giúp được, vì muốn nghe và hiểu thì phải nghe được accent, mình nói accent khác thì họ cũng không nghe rõ được. Tuy có lợi khi nghe nói, nhưng không hẳn là nhiều. Và việc triển khai làm "ngôn ngữ hành chính" thì không cần bộ giáo dục lên tiếng, chỉ cần Chính phủ đứng ra làm mà thôi.

Trường hợp với người Việt thì chuyện này rất tốt. Việc ép buộc như thế sẽ khiến người ta có tinh thần học tiếng Anh cao thêm, dễ hội nhập hơn, và dễ tìm kiếm các cơ hội đi du học. Ngược lại, cũng sẽ dễ dàng khi mời giảng viên nước ngoài về dạy.

Nhưng hiện nay thì có một số vấn đề cần giải quyết trước:
  • Trình độ giáo viên dạy tiếng Anh ở VN rất yếu. Thậm chí họ còn nói không đúng phát âm, chưa hiểu bản chất của các luyến âm trong tiếng Anh. 
  • Học sinh học khá hời hợt, mà không hề chủ động giao tiếp. Tôi không hiểu tại sao người ta lại hay cười khi nghe người ta nói tiếng Anh, và cười to nếu người ta nói không đúng. Thái độ như vậy sẽ khiến người ta chùn bước trong việc học tập. Cái quan trọng không phải là cái sai, quan trọng là phải có môi trường luyện tập liên tục. 
  • Người dân ít chịu chi cho việc học tiếng Anh. Cần phải hiểu rằng học một ngôn ngữ là cực kỳ khó so với việc học toán-lý-hoá-sử-địa bằng tiếng Việt, phạm trù của 2 quá trình học này là hoàn toàn khác nhau. Không thể cứ coi tiếng Anh là một môn như hiện tại được, nó cần được xem là một quá trình với nhiều phương pháp tổng hợp với nhau. Và do đó, chi phí để học thêm là cực kỳ cần thiết, dù cho có tốn kém. Với môn toán, bạn chỉ cần đến lớp với 1 người thầy dạy là đủ. Nhưng với môn tiếng Anh, để tốt nhất thì bạn cần phải có 3-5 giáo viên dạy luân phiên nhau bằng các phương pháp khác nhau mới tốt. 
Nếu không giải quyết 3 vấn đề trên, thì việc đưa tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ cấp chỉ là chuyện đùa. Và chúng ta sẽ không có lớp trẻ biết English, mà chỉ bồi bổ một bộ môn mới là Vietlish, giống như Singapore có Singlish vậy (nhưng không chắc là hàm lượng tiếng Việt trong câu có nhiều hơn tiếng Anh không nữa).

Friday, April 12, 2019

Người Việt yếu về khả năng tranh luận?

Mình đồng ý với quan điểm này. Nhưng nói chính xác hơn thì người Việt không biết tranh luận và cũng không muốn tranh luận.

Thứ nhất là khi thấy người khác sai thì thường không còn tôn trọng người khác, chưa tách bạch được "ý kiến", "quan điểm" và "chính con người đó". Thấy người ta có quan điểm sai thì cho rằng con người của họ là không tốt.

Thứ hai là thường hiểu nhầm ý người khác, và "suy bụng ta ra bụng người", "nhét chữ vào miệng người khác".

Tiếp theo là có thái độ kiểu "người nào không ủng hộ mình thì là thuộc phe chống mình". Thực tế thì một người không ủng hộ mình ở mặt này nhưng họ có thể ủng hộ mình ở mặt khác.

Thứ tư là ngại tranh luận, nhất là khi thấy người khác nói khác ý mình thì thường cho rằng "một sự nhịn chín sự lành".

Ngược lại, tuy không tranh luận trực tiếp, nhưng lại thích nói xấu sau lưng.

Và cuối cùng, rất thường vơ đũa cả nắm... 5 chuyện mình vừa nói chỉ đúng với vài người, và thường người này dính chuyện này không dính chuyện kia. Thế nhưng rất nhiều đặt vấn đề cứ như là chuyện chung của toàn người VN. Và tất nhiên, nên biết rằng các tính xấu đó cũng có ở dân các nước khác nữa.

Tóm lại, nhìn ra vấn đề của chính mỗi người thì tốt hơn là cứ bàn chuyện xa vời như "người VN có tật này tật kia".

Thi Đại Học ồ ạt có dẫn tới thất nghiệp trong tương lai?

Xét về bài toán vĩ mô của nhân lực, chúng ta cần phải hiểu rằng có 3 nhóm nhân lực trong bất cứ ngành nghề nào:

1. Nhóm cao cấp là vừa giỏi vừa ham học hỏi và ham làm. Có thể nhảy từ chuyện nọ sang chuyện kia, nhiệt tình trong việc thách thức cái mới.

2. Nhóm trung cấp là khá giỏi, có thể làm được mọi việc được giao, đạt mức lương cao, học hỏi nhanh,...

3. Nhóm cơ bản thì chỉ biết những gì được dạy (hoặc thấp hơn thế), giao việc thì làm mà không trôi chảy lắm,...

Vấn đề nằm ở chỗ nhóm 1 rất hiếm, nhóm 2 thì cũng ít, nhưng nhóm 3 thì nhiều, và người tuyển dụng thì chỉ thích nhóm 1, nếu không có thì mới chọn nhóm 2, và sẵn sàng cho nhóm 3 ra rìa.

Năm nào cũng tuyển sinh, vì các trường muốn tìm được nhóm 1 và 2 trong hàng ngàn đến trăm ngàn học sinh, đưa vào trường giảng dạy để tăng uy tín của trường. Và những người thuộc nhóm 1 chắc chắn sẽ không có cửa thất nghiệp, vì lượng công việc ở một quốc gia lúc nào cũng đủ để cover 70% người dân. Nếu các trường giảm số tuyển sinh, không có gì đảm bảo là họ không rơi vào tình trạng chỉ nhận được nhóm 1.

Chuyện thất nghiệp, bạn cứ tưởng tượng là nhóm 1 có 5% thôi, nhóm 2 thì 30% tiếp theo. 2 cái cộng lại mới có 1/3. Trong khi công việc thì lúc nào cũng có sẵn cho 2/3 người, vậy thì nhóm 1 và 2 không thể thất nghiệp được. Có chăng là nhóm 3 sẽ có 1/2 thất nghiệp, hoặc phải đổi ngành.

Bạn nghĩ đó là phí? Không hề. Nếu không có đội ngũ thất nghiệp thì lấy gì đảm bảo nhóm 2 sẽ cố gắng? Cố gắng làm gì khi họ không cố gắng thì cũng chả có ai tranh suất với họ? Vì nhóm 2 cố gắng, nên nhiều người nhóm 1 sẽ lo sợ mất suất. Đó chính là cái mà người ta gọi là "động lực xã hội", khi mà người này sợ mất phần vào người khác nên họ mới nỗ lực hơn.

Muốn không thất nghiệp thì phải cố gắng. Và cố gắng nhiều hơn.

Khi tôi còn ở VN, tôi cũng thuộc nhóm được các công ty săn đuổi liên tục... Họ liên hệ không phải để kêu đi phỏng vấn, mà họ muốn sắp xếp cuộc gặp với các sếp bên họ để nói chuyện và tìm kiếm con đường chung. Mình không khoe, chỉ muốn cho bạn biết rằng phải nỗ lực rất nhiều rất nhiều...

Thursday, April 11, 2019

El-Nino là gì?

El-Nino là một giai đoạn trong Dao động phương Nam (El Niño–Southern Oscillation), bao gồm El Niño, La Niña và Neutral (trung tính).

Nguyên nhân sâu xa của nó là do chuyển động dưới đại dương, xuất phát từ dòng biển lạnh Humboldt đi từ biển Nam về phía bắc, dọc theo bờ biển phía tây của Nam Mỹ. Đến gần xích đạo thì dòng biển này lại nổi lên gần Peru, đến bề mặt biển thì do ảnh hưởng của gió mậu dịch xích đạo, hình thành một dòng biển bề mặt đi về phía Tây của Thái Bình Dương. Nước lạnh từ dưới nổi lên, bị cuốn theo dòng về phía Tây, lại chịu ảnh hưởng của mặt trời khiến nó nóng dần lên. Người ta đo thì biển phía Tây Thái Bình Dương nóng hơn phía Đông Thái Bình Dương tầm 10ºC.

El Niño là chu kỳ nóng lên của nó, nguyên nhân nằm ở chỗ lượng nước từ dưới lên không đủ mạnh, và mặt trời hun nóng bề mặt nhiều, khiến cho nó bị nóng hơn bình thường. Nước biển bốc hơi nhiều hơn, tạo ra áp suất lớn. Tuy nhiên, vì gió mậu dịch xích đạo thổi về phía Tây, nên các nước Nam Mỹ (nằm ở phía Đông của Thái Bình Dương) không nhận được mưa. Áp suất cao mà lại không có mưa thì nóng và khó chịu khủng khiếp.

Ở chiều ngược lại, dòng biển đi về phía Tây tiếp tục nóng hơn, bốc hơi nhiều hơn, lại kết hợp với gió mậu dịch xích đạo, gây bão ở Tây Thái Bình Dương. Khu vực chịu bão này đi từ Nhật Bản xuống đến Indonesia và Bắc Úc. Chính vì vậy VN thường chịu nhiều cơn bão trong thời gian này, và không riêng gì VN, các nước Đông Nam Á cũng như vậy.

Tất nhiên, dòng biển này tiếp tục di chuyển để đi vào Ấn Độ Dương trước khi tiếp xúc Đông Phi. Khu vực đó cũng có ảnh hưởng nhưng không nhiều lắm.

La Niña là hiện tượng ngược lại, khi nước biển lạnh bên dưới nổi lên quá nhiều, mặt trời không làm nóng nổi, khiến mặt biển lạnh hơn bình thường. Việc này khiến không khí vùng Nam Mỹ, Đông Thái Bình Dương và lân cận lạnh hơn, gây nên lũ lụt ở nhiều nơi, và băng tuyết kéo dài.

Dòng biển lạnh trên bề mặt tiếp tục mang hơi lạnh đến các vùng xa hơn phía Tây Thái Bình Dương, kéo theo mùa đông đến các vùng đó.

Về cơ bản thì hiện tượng này ảnh hưởng trên quy mô toàn cầu (vì đầu tiên là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương là hết 2/3 diện tích thế giới rồi), lại kéo theo nhiều hiện tượng thời tiết thất thường khác. Nên nó được theo dõi rất triệt để bởi tất cả các quốc gia trên thế giới.



Monday, April 8, 2019

Liệu có tự do tuyệt đối không?

Khi nói về chuyện này, tôi phải đề cập đến một quan điểm về dân chủ:

Có 2 cái nền của một thể chế dân chủ phải tôn trọng là tự dobình đẳng.

Cái đắng lòng là 2 thứ này không đi chung với nhau.

Bạn có tự do tuyệt đối thì sẽ mất bình đẳng. Ví dụ như người ta có tự do dùng vũ khi để giết người khác, và người có tiền được quyền mua hết thức ăn khiến người nghèo chết đói.

Ngược lại, bạn có bình đẳng tuyệt đối thì sẽ mất tự do. Ví dụ như người ta có quyền lấy tiền của bạn khi họ muốn, hoặc tệ hơn là ai cũng có thể xxx với vợ của bạn.

Chính vì thế, người ta sẽ hạn chế tự do và bình đẳng. Và có 2 hướng để hạn chế nó, khiến nó trở thành xã hội loài người văn minh:

1. Ưu tiên tự do, nhưng hạn chế tự do lại bằng luật pháp để nó bình đẳng hơn. Các thể chế như vậy được gọi là dân chủ tự do.

2. Ưu tiên bình đẳng, nhưng hạn chế nó bằng luật pháp để có tự do một mức nào đó. Các thể chế như thế có thể gọi là dân chủ bình đẳng, và thường được gọi cái tên mĩ miều hơn là dân chủ nhân dân.

Tuy nhiên, khi xã hội phát triển, các nước phương Tây lại cho phép cả 2 trào lưu này cùng tồn tại, và họ gọi xu hướng ưu tiên tự do là cánh hữu, còn ưu tiên bình đẳng là cánh tả. Như vậy, trong chính trị phương Tây, có các xu hướng mà bạn dễ dàng nhận thấy thông qua các chính sách của các đảng phái như sau:


  • Trung dung, không thiên bên nào, và thường không có các quyết sách tốt, thường chỉ nổi lên khi có biến cố gì đó của đất nước, tham gia vào liên minh chính trị với một cánh nào đó.
  • Thiên tả, với các chính sách nghiêng về lợi ích của người dân, và phúc lợi xã hội. Đảng Dân chủ Mỹ là đại diện cho thiên tả, với chính sách ObamaCare nổi tiếng.
  • Thiên hữu, với các chính sách nghiêng về lợi ích quốc gia và hướng tới sự hùng cường của đất nước. Cái trò America First của ông Trump là hiểu rồi.
  • Tuy nhiên, lại có thêm cánh cực hữu, khi họ quá phân biệt chủng tộc và chống lại di dân. Còn cực tả thì đánh thuế vào các doanh nghiệp lớn quá nhiều.
  • Và tất nhiên, không loại trừ 2 kiểu xã hội quá mức của 2 xu hướng trên: Cực hữu quá độ và chiếm lĩnh toàn bộ xã hội thì sẽ là phát xít. Ở chiều ngược lại, cực tả quá độ và chiếm lĩnh điều hành đất nước được gọi là cộng sản.

Tất nhiên, tất cả những gì mình nói trên đều là lý thuyết, dựa trên thực tế mà tổng hợp lại. Chứ việc điều hành và các chính sách thường phụ thuộc nhiều vào thời điểm và người lãnh đạo.

Tóm lại, nếu ai đó muốn người ta được quyền giết mình bất cứ lúc nào thì hãy bàn về chuyện tự do tuyệt đối, còn lại thì quên vụ tự do tuyệt đối đi. Xã hội này không ai cần cái tự do tuyệt đối và bình đẳng tuyệt đối cả. Hihi...