Hôm rồi có dịp ghé qua nhà anh Chủ tịch tập đoàn. Thực ra là buổi nói chuyện về một đề tài đặc biệt và khá thú vị, nhưng cái mà ta nghĩ tới nhiều nhất đó là sự ngăn nắp ở đây. Với ta, sếp lớn này là một người giàu, hoặc có thể là giàu theo định nghĩa khá ngây thơ của ta: Đủ tiền để sống trong một căn hộ cao cấp.
Vừa bước vào nhà, cái đập vào mắt đầu tiên đó là đống giày dép, được xếp gọn gàng, ngay hàng và thẳng lối, tránh một bên so với lối đi. Cái thứ hai là 2 chiếc xe đạp được dựng ở một góc, một lớn và một nhỏ, trên đó có 2 trái bóng rổ. Điều này lập tức cho ta biết là nhà ảnh có 2 đứa con trai, mặc dù lẽ ra loại thông tin này hầu hết mọi người đều biết.
Hôm trước, khi đi học lớp Giáo lý hôn nhân, một nhà nghiên cứu xã hội nói về cách thức tổ chức trong gia đình, có đề cập đến vấn đề giáo dục con cái làm việc một cách khoa học. Thực ra thì ông ta đề cập tới chương trình 5S của nước Nhật, đó là Seiri (Sàng lọc) - Seiton (Sắp xếp) - Seiso (Sạch sẽ) - Seiketsu (Săn sóc) - Shituke (Sẵn sàng). Đó là một chương trình làm cho mọi thứ khoa học và hiệu quả hơn... Có lẽ là ta nên nhắc lại tí xíu về nó...
Đầu tiên là sàng lọc những thứ nào không sử dụng được nữa, phân loại chúng. Ví dụ như mở tủ lạnh, kiểm tra một vòng xem có món nào bị hết hạn sử dụng (hoặc gần hết hạn) hay không, và thanh lý chúng. Một ví dụ khác là kiểm tra xem đống sách vở cái nào cần thiết và không cần thiết, cái nào đang đọc dở hay cái nào mới mua,...
Thứ hai là sắp xếp theo một trật tự nào đó đã thống nhất ở trong gia đình. Ví dụ như giày dép để ở đâu, đồ chơi ở chỗ nào, lọ thuốc men, đồ dùng nhà bếp,... Và một điều rất quan trọng là luôn gắn nhãn mác, ví dụ như lọ muối, lọ đường, lọ bột ngọt hay... lọ ure, tránh những hiểu nhầm đáng tiếc. Tất nhiên, không cần gán nhãn "cái dao" lên trên cán dao làm gì, nhưng khi để dao trong tủ thì cần phải có nhãn "tủ đựng dao", và nhất thiết phải xa tầm tay của trẻ em.
Thứ 3 là luôn giữ mọi thứ phải sạch sẽ, để khi cần sử dụng là có thể sử dụng được ngay. Một trong những thứ cần phải lau chùi nhiều nhất là bàn phím và chuột vi tính, và cả mặt bàn làm việc nữa, những thứ này bám bụi và vi khuẩn khủng khiếp.
Trong khi 3 chữ S đầu là về đồ vật thì 2 chữ S sau nói về con người...
Đó là thứ 4: Săn sóc. Luôn luôn làm 3 điều trên một cách thường xuyên, để đảm bảo mọi thứ luôn luôn nề nếp và sạch sẽ. Thậm chí nó cũng bao gồm việc đề ra những phương cách mới để có thể thực thi 3 điều bên trên một cách dễ dàng.
Và cuối cùng là sẵn sàng. Nghe qua thì hơi mơ hồ đấy nhỉ... Đó là: Luôn luôn tạo tinh thần trách nhiệm với 4 điều vừa rồi cho tất cả các thành viên trong gia đình, đảm bảo tất cả mọi người sẵn sàng thực hiện 4 điều bên trên bằng tất cả niềm vui và khoa học. Hơn nữa, người này nên đóng vai trò giám sát người kia để đảm bảo tất cả cũng tiến bộ.
Bài học là thế, nhưng còn áp dụng tới đâu thì còn tùy thuộc vào con người của ta... Hôm nay là thứ 7, và ta đang ngồi ở công ty, tự nhìn cái đống ngổn ngang trên bàn mà thấy "chột dạ". OK! Phải bắt đầu thực hiện 3 chữ S đầu thôi... Hôm nay mình không làm được thì chắc chắn tương lai sẽ không giáo dục con mình làm được...
Mà ngẫm lại thì nếu như mọi thứ không gọn gàng thì chúng ta sẽ mất nhiều thời gian để đi tìm những thứ cần thiết. Có khi còn gặp rủi ro khi sử dụng phân ure thay vì bột bán nữa (bột bán là thứ thường dùng để nấu chè, có vẻ ngoài y hệt phân ure). Có lẽ chính sự ngăn nắp trong gia đình mới là nền tảng tốt cho một gia đình giàu có và thành công. Và nếu ta còn muốn trở thành người thành công (và giàu có nữa) thì hẳn ta phải cố gắng rèn luyện sự ngăn nắp này...
Một hành trình mới bắt đầu... Không phải một hành trình bên ngoài, nhưng là một hành trình mới bên trong ta...
Tái bút: Người ta bảo rằng "muốn biết người ta có sạch sẽ không thì hãy nhìn vào toilet nhà người đó", và ta đã vào toilet của nhà anh Chủ tịch tập đoàn ở trên, kết quả là: Quá được! Tất cả mọi thứ đều gọn gàng, không dư thừa một thứ gì... À, có mấy cục sáp thơm phòng vẫn còn hạn sử dụng.
No comments:
Post a Comment