Sunday, May 10, 2020

Thêm một giấc mơ kết thúc bằng một giai điệu

Vẫn như những giấc mơ trước, tôi có thể nhớ đại khái câu chuyện, nhưng không thể nào nhớ được nguyên văn bài thơ hoặc bài hát, mặc dù đã cố gắng nghe đi nghe lại mấy lần (tôi có lucid dream, nên thường chủ động điều khiển được giấc mơ của mình).


Câu chuyện lần này khá thú vị.


Nội dung giấc mơ (đã được biên tập lại cho câu cú mạch lạc)


Tôi và cậu là bạn thân từ bé, gia đình tôi và gia đình cậu cũng rất thân nhau. Tôi thì gia cảnh bình thường, còn bố cậu là sĩ quan quân đội cao cấp. Cấp bậc không quan trọng, nhưng bố cậu rất nghiêm khắc.


Ngày cưới của cậu, có khi tôi là người vui nhất. Không vui sao được khi cô dâu là bạn rất thân thời đại học của tôi. Không vui sao được khi chính tôi là mắc xích quan trọng trong mối lương duyên ấy, vì ngày xưa nhờ cậu đi chơi với tôi thường xuyên mà được gặp cô ấy.


Mọi thứ cứ êm đềm trôi, cho đến một ngày, cậu phạm tội. (Ghi chú: Sau giấc mơ, tôi không nhớ là tội gì, chỉ biết là nó không nặng lắm, nhưng rất nặng đối với truyền thống gia đình của cậu). Cậu sợ, cậu tìm đến tôi, và mong muốn sắp xếp một cuộc chạy trốn.


Tôi xiêu lòng, và tôi đã giúp cậu. Nhưng cậu đi chỉ một mình, để lại cả vợ lẫn con.


Vài tháng sau, trong một bữa chiêu đãi ở gia đình cậu (cũng không nhớ là dịp gì nhưng có rất nhiều sĩ quan và lính tham dự). Khi tiếng nhạc xập xình gần kết thúc, tôi mới có dịp ngồi lại với vợ cậu trên ghế đá trong vườn nhà, vì cô ấy muốn nghe tôi kể về những dự án của tôi, những thứ mà cô đã bỏ lại phía sau từ khi lấy chồng (note: cô ấy học cùng ngành với tôi, nên có chung mối quan tâm).


Trong lúc ngà ngà say, tôi vô tình tiết lộ rằng tôi biết chồng cô ấy ở đâu. Túm lấy tay áo tôi, nước mắt bùng nổ, âm thanh nhỏ vì sợ người khác nghe thấy nhưng khiến tôi hoàn toàn tỉnh rượu... Cô ấy muốn gặp chồng.


Ngày hôm sau, tôi lẳng lặng đến nhà cậu, và lại lén lén lút lút, cô ấy mang theo một túi xách nhỏ, và đi.


Lái xe, tôi ngoái nhìn phía sau, không thấy cô ấy, vì cô ấy chọn ghế ngay sau lưng tôi. Nhưng tôi biết chắc chắn là cô ấy đang khóc. Và tôi cũng biết cô ấy không muốn tôi biết điều này, nhưng làm sau giấu được, tôi là người bạn rất thân của cô ấy mà.


Tôi cũng để mặc cho cô ấy âm thầm khóc. Tôi chỉ chưa hiểu được lý do vì sao cô ấy khóc. Đó là nước mắt của người vợ, uất ức vì chồng bỏ đi mà không nói lời nào. Hay đó là nước mắt của người mẹ, chợt nghĩ tới cảnh đứa con 7 tuổi ngẩng đầu hỏi bà: "Nội ơi, mẹ đâu hả nội?"


Đến lúc này, câu chuyện kết thúc với màn hình kết thúc một tập phim (cứ như là lúc đầu tới giờ chỉ là cảnh trong phim). Và đây là ca khúc nền, mà tôi cứ phải cố gắng nghe đi nghe lại cho thuộc khi tỉnh giấc mơ:


Mẹ, là mẹ hiền yêu dấu, luôn dõi theo con từng bước con đi trên đường đời của con.

Mẹ, là mẹ hiền yêu dấu, luôn đau cho con những gánh ước mơ mà con mãi nhọc tâm.

(.....)


ĐK

Rồi một đêm, con chim sâu thấy (thật) miên man, (Note: trước đó có câu mô tả người con như chú chim sâu)

Bước lang thang, không ai bên, chỉ ánh đèn.

Lạnh căm căm, như những hôm làm bánh chưng,

(....)

Nước mắt con cứ chực trào ra.


Thay lời kết


Khi tỉnh giấc, tôi không hẳn quan tâm đến câu chuyện kia, tôi chỉ quan tâm đến lời bài hát. Và chợt nhận ra, hôm nay là ngày của mẹ.

Saturday, April 4, 2020

Hoang tàn

Tôi cũng muốn viết vài dòng để ghi nhớ lại những ngày này, những ngày mùa dịch coronavirus từ Vũ Hán đi vào cao điểm ở Úc. Đặc biệt là Sydney, tình hình có vẻ căng thẳng từng ngày. Chính quyền càng lúc càng thắt chặt các biện pháp kiểm soát. Thỉnh thoảng thấy cảnh sát đi tuần, và mức phạt 1000 AUD cho những ai vi phạm lệnh phong toả. Rất nhiều cửa hàng đóng cửa.

Những điều này khiến cho không khí vốn ít náo nhiệt ở Bankstown càng thêm u ám. Có cảm tưởng như ngày tận thế sắp đến nơi rồi.

Hôm nay trời gió. Gió khá mạnh. Gió rung cây, oằn cả cành và lá. Tiếng rì rào cứ như sóng biển vỗ bờ. Sáng sớm nay trời mưa. Cái lành lạnh sau mưa khiến cho gió càng thêm réo rắt.

Ừ nhỉ, Sydney đang vào mùa thu. Mùa thu lành lạnh, và lá đã bắt đầu rơi.

Mùa thu lá đỏ, rụng khắp đường, gió tốc lá bay lên trên con đường vắng tiếng xe, và giữa một khu công viên có chỗ đậu xe rộng lớn mà như chốn không người.

Nếu như cách đây không lâu, những nơi này vẫn là sân chơi của con nít, hoặc là chỗ người ta ngồi ghế và trò chuyện, thì giờ đây vắng teo. Chỉ thỉnh thoảng có một vài bóng người lặng lẽ đi. Chắc cũng đi ra chợ/siêu thị như mình.

Chợt nhớ tới cái hình về ngày tận thế mà mắc cười.


Phụ đề tiếng Việt cho ai không biết:

Bên trái là ngày tận thế được người ta nghĩ đến. Sẽ có những trận chiến giữa con người với zombie hay là những cuộc chiến giữa phe này phe kia.

Bên phải là hình ảnh giữa mùa dịch, khi ai nấy đều đóng cửa, và nỗi sợ vô hình xâm chiếm toàn thế giới mang tên virus.

Ý nghĩa của tấm hình là kịch bản tận thế trong tương lai có thể không phải là chiến tranh hay thảm hoạ thiên nhiên, mà rất có thể chỉ là một con virus bé đến mức không thể nhìn thấy.

Tái bút: Ngày này năm ngoái, định trong đầu năm nay sẽ dẫn cả gia đình đi xem lá vàng rơi. Có vẻ không thành hiện thực rồi.


Sunday, March 29, 2020

Một bài hát cực hay trong một giấc mơ

Tức chết! Nửa đêm đang ngủ, bỗng nghe một bài hát rất hay, rất du dương, muốn nghe cho thuộc mà không được, chỉ nhớ câu điệp khúc có đoạn:

Này đây tiếng trống,
Tiếng trống làng quê,
Làng quê yêu dấu, đong đưa du dương tiếng lúa trổ bông
....

Câu chuyện xuất phát từ một vị thần đánh trống trong một bức tranh, phong cách có vẻ giống tranh Đông Hồ hoặc tranh Nhật Bản (có những đường tròn, và người thì cứ ngửa mặt nằm ngang). Rồi có ai đó hỏi thần đó đánh trống để làm gì, và người kia trả lời: Đó thật ra là vị thần vụ mùa và có một dân ca thế này...

Tức chết mất! Biết là ngủ dậy sẽ quên mất, cố gắng không thức giấc, cố gắng nghe thêm cho thuộc, và đã nghe 2 lần. Cuối cùng bị một cái gì đó khiến mình thức dậy, và quên mất tiêu bài hát.

Note thêm về nội dung giấc mơ còn nhớ: Mình đang đuổi theo một ai đó (không nhớ nguyên nhân, chỉ biết đó là kẻ xấu), thì gặp 2 đứa trẻ chạy xe đạp bị té trên đường. Con em khóc dữ quá, khiến mình dừng lại và dỗ phụ thằng anh, cho con bé kẹo mút (tự nhiên xuất hiện kẹo mút, haha, mơ mà). Sau đó, mình nhìn thấy cái trống rung con bé cầm đẹp quá, mượn xem thử thì phát hiện ra có hình một vị thần đánh trống trên mặt. Tự nhiên xuất hiện 2 người nữ, một người hỏi vị thần đó là ai, người kia trả lời là thần mùa vụ và bắt đầu hát. Đột nhiên xuất hiện cả một dàn đồng ca cùng hát với cô ta. Còn mình thì lượn lờ nhìn theo những bông lúa, ngắm nhìn chúng cận cảnh, từ lá xanh thành vàng, và từ bông lúa mới đớm trổ đến khi kết thành hạt gạo.

Friday, October 18, 2019

Ghi lại một lần có những giấc mơ chồng lên nhau

Những giấc mơ nhiều lớp khiến mình cảm thấy thật khó chịu.

Vừa rồi, trong giấc mơ, huyền ảo và mộng mị, ở đâu đó vang lên bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt. Thấy hay quá, nhưng biết chắc là mình đang mơ nên mình cố gắng nhẩm đi nhẩm lại trong đầu, cố gắng thuộc nó, để khi thức giấc là ghi lại liền. Vì thông thường, tôi biết là phần lớn trường hợp chúng ta không nhớ rõ tất cả mọi chi tiết trong giấc mơ.

Lúc tỉnh dậy, tôi vớ ngay chiếc laptop, bật lên và viết lại liền. Nhìn đồng hồ khoảng 4h sáng. Bấm vào nút new note mới phát hiện ra điều kỳ lạ: Dù đã bấm new note nhưng màn hình vẫn còn các note cũ, mặc dù nó chừa ra một khoảng trắng để viết note mới, và thêm dòng giải thích đây là tính năng mới. Mình nhìn vào nó, và đoán chắc là mình vẫn còn ở trong giấc mơ khác vì một tính năng ngu ngốc đến thế thì không bao giờ Apple làm, mình chỉ mới tỉnh dậy trong một giấc mơ mà thôi. Mình cũng ráng viết lại, nhưng chợt phát hiện ra quên mất câu thứ 3 trong bài thơ. Lại phải cố nhẩm lại để không quên nốt 3 câu còn sót lại.

Cuối cùng tôi cũng tỉnh giấc, lúc này là 6h15, giờ thức dậy thường lệ. Mình cố nhẩm lại bài thơ trước khi làm cái gì. Và chộp lấy laptop để ghi lại. Kết quả chỉ còn lại 2 câu đầu. Nhưng cái cảm giác của bài thơ thì vẫn còn, và mình dùng cái cảm giác đó để viết lại 2 câu cuối. Mặc dù có cảm giác 2 câu cuối vẫn chưa đúng lắm, nhưng cái cảm giác thì giống như vậy.

Bài thơ:
Em giờ như giông bão
Giữa cát biển rì rào
Anh mênh mông khô héo
Khẩn cầu giọt mưa em
Tái bút: Còn vài ngày nữa là được về gặp vợ rồi...

Saturday, October 5, 2019

Nhớ Sài thành

Có những ký ức về những miền xa vắng mà ta muốn đặt tên là "kỷ niệm". 


Nhớ Sài thành...


Đã lâu lắm rồi ta mới lại viết blog và gọi "Sài thành" để nói về Sài Gòn...

Lần đầu tiên đến Sài thành, ta lấy xe đạp đi một vòng quanh phố. Mười mấy năm trước, cũng vào mùa này, Sài thành chả bao giờ lạnh. Tiết trời cứ ong ong, và dòng xe cứ hối hả.

Chẳng hiểu sao ta nhớ nhất góc đường Lý Thái Tổ - Tô Hiến Thành. Cũng chẳng có gì đặc biệt, chỉ là nó nằm sẵn trong ký ức mỗi khi nhớ về lần đầu tiên đạp xe vòng quanh phố. Lần ấy, vừa đi vừa nhẩm hát bài "Katy Katy". Chỉ là thuộc bài hát đó, và thích, và hát. Lúc ấy làm gì có điện thoại để nghe nhạc.

À, mà thời ấy, điện thoại cũng chẳng nghe nhạc được. Phải nhà có điều kiện mới có cái máy nghe nhạc "bỏ túi". Gọi là "bỏ túi" nhưng nó to hơn bàn tay, và bỏ đĩa CD vào mà nghe. Và ta chẳng có.

Giờ thì điều kiện đầy đủ hơn, Spotify toàn nhạc chất lượng, chỉ là chẳng còn ở Sài thành nữa.

Thời ấy, ta chẳng sợ gì. Giữa trưa gắt nắng, không áo khoác, không áo dài tay. Bụi đường mù mịt, không khẩu trang. Dòng xe tấp nập, cứ tiếp tục cưỡi chiếc xe đạp cà tàng lông dông giữa phố.

Nhưng đó là cả một trải nghiệm mới. Của một thằng trai quê, lần đầu tiên thấy ngã tư đèn xanh đỏ...

Nhiều người thường nghĩ đi Sài Gòn là phải biết chỗ này chỗ kia, những nơi nổi tiếng như nhà thờ Đức Bà, chợ Bến Thành, dinh Độc Lập, công viên Tao Đàn,... Còn ta, ta chỉ quan tâm đến góc phố nhỏ, và những cảnh thường nhật. Cái thường nhật được gộp lại từ những khoảng khắc vĩnh viễn không lặp lại.

Cái thú đi lông nhông ngoài đường không vì mục đích đó chưa bao giờ thay đổi. Dù ở Sài thành, hay một nơi nào khác.

Sydney sáng nay mưa. Cái mưa xuân rả rích. Cái mưa mà hiếm lắm ở Sài thành mới có. Mưa Sài thành thì cũng như con người ở đó, ồn ào và hối hả, quyết đoán và thẳng thừng. Cứ như trời không phải là ông mà là một cô gái. Giận. Bưng xô nước. Tạt cái ào...

Ở đây ngược mùa với Sài thành, giờ này đang giữa xuân, chuẩn bị vào mùa hè. Phút giao mùa khiến thời tiết thay đổi liên tục, hôm qua nóng oi oi, sáng nay lại mưa lâm thâm. Tiếng mưa gõ vào mái tôn. Lộp cộp. Và khe khẽ. Nhẹ nhàng đến mức mà ta tưởng cứ như nghe tiếng mưa gõ vào lá ở xa xa...

Nhưng sẽ mưa cả ngày cho mà xem. Mưa lại kèm gió. Gió nhẹ. Nhẹ lắm. Nhưng buốt tận xương...

Đêm đêm nằm mơ phố,
Chân rơi nhoè trên mái,
Đi qua hoàng hôn ghé thăm nhà.

Anh như là sương khói,
Mong manh về trên phố,
Đâu hay một hôm gió mùa thu.



Đôi dòng bình nhạc


Trong màn đêm cô quạnh, vô tình mơ về những kỷ ức xa vắng. Nhưng cơn mưa kéo mình về với thực tại. Mà đó có phải là thực tại không? Sao nghe tiếng mưa cứ ngỡ như tiếng bước chân của ai đó, bước khẽ trên mái nhà. Tiếng chân khẽ nhưng lại nhoè đi như hạt mưa, tan biến vào màn đêm tịch liêu.

Ờ. Chắc là hạt mưa thôi. Cớ sao cứ mong tiếng chân ai đó trở lại thăm nhà nhỉ? Có phải vì hoàng hôn hôm nay khiến ta nhớ về hoàng hôn của bao năm trước. Khi mà ai đó cũng đã về thăm nhà.

Ấy là người ấy, hay là sương khói, hay người ấy chính là sương khói? Cớ sao cứ mong manh và mờ ảo đậu lại trên phố. Chỉ là vô tình người ấy về lại trên phố mà thôi, phải không? Mình sợ cái mong manh ấy, cái mong manh như làn khói, chỉ cần một cơn gió nhẹ cũng đủ thổi đi, và tan biến mãi mãi.

Và rồi có một cơn gió đến. Gió mùa thu. Mùa thu se lạnh. Gió nhẹ nhàng. Cuốn phăng những chiếc là cây lìa cành. Xạc xào mặt đất.

Gió cuốn khói sương đi mất. Chỉ là tại gió mà thôi... Không phải lỗi tại sương khói quá mong manh đâu nhỉ...

Wednesday, September 25, 2019

Bình nhạc: Ngày chưa giông bão

Ca khúc thể hiện với giọng trầm buồn về một chuyện tình không biết đúng hay sai. Liên tiếp trong ca khúc, tình yêu được sánh với nhiều hình ảnh thiên nhiên hùng vĩ và trường tồn, giống như một tình yêu đã trải qua nhiều giông bão mà cứ ngỡ như chưa từng qua sóng gió nào. 



Anh là gió, và em là nước. Và tình yêu của ta như sóng vỗ trên mặt hồ, nơi gió và nước gặp nhau và hôn một nụ hôn bất tận như sóng không bao giờ buông mặt hồ.

Anh là thuyền, và em là bờ. Và dù cho mất bao nhiêu ngày tháng thuyền xa bờ ra khơi đi nữa, thuyền cũng sẽ về lại bến bờ đang ngày đêm đợi. Đó có phải là câu chuyện đã được dệt thành thơ không anh nhỉ?

Và anh xem em như đoá hoa, mỏng manh yếu đuối, nhưng đẹp thuần khiết, và đáng được anh nâng niu bằng tất cả yêu thương. Còn em xem anh như vầng trăng ngọc ngà trên cao, chiếu sáng con đường của em, và cho em động lực để bước đi... Bước đi cùng anh... Đi qua non ngàn... Em không để anh đi một mình nữa mà sánh bước cùng anh, mình cùng tự do như mây vàng trên trời, cứ để gió thổi đi. Em không sợ gì cả, em cũng chẳng cần gì cả... Chỉ có anh mà thôi.

Thế gian này ở đâu với em cũng là nhà. Vì anh chính là ngôi nhà ấm áp của em.

Chúng ta cứ bước đi cùng nhau như thế mãi, anh nhé!

Nhưng cuộc đời đâu phải lúc nào cũng tươi đẹp.

Anh như là đám mây, để rồi khi đi qua thung lũng, có một thứ như là bóng đêm ghì bàn chân của anh xuống. Và anh phải một mình đối diện với nó, cố gắng vượt qua nó. Đời khiến anh uất nghẹn, chẳng thể luyến lưu với dòng đời xuôi ngược ấy. Em vẫn chẳng thể làm được gì, chỉ mong có thể làm nguôi đi nỗi lòng của anh.

Em muốn anh biết rằng, dù thế giới này có sụp đổ thì em cũng sẽ không rời bỏ anh, vì tình yêu của em vẫn vĩnh hằng như thế, và vẫn mãi thấy đau cho mỗi lần anh gục ngã. Như vậy chính là thấy đau vì vẫn còn thương đúng không? Thế thì anh vẫn chưa mất tất cả đâu, anh vẫn còn một thứ quan trọng nhất, để anh có thể vượt qua giông bão, biết đâu sau đó sẽ là những ngày tươi đẹp. Mạnh mẽ lên, anh ơi!

Và rồi anh đã lạc bước...

Anh đã chôn vùi mình trong những thứ đam mê tăm tối. Em tự hỏi con người ngày xưa mà em đã từng thân thuộc nay đâu rồi? Anh có còn nhớ tới em và những kỷ niệm chan hoà với em hay không?

Và liệu với vẻ ngoài lạnh băng cả tiếng khóc cười ấy, có khi nào con tim anh còn chút ấm nóng và thổn thức về một cuộc tình sâu đậm ngày xưa ấy? Chắc là có chứ, cớ sao anh cứ như ở nơi xa xôi vô lối thế?

Nếu mặt đất này níu giữ chúng ta trong cái mối tương quan gọi là trách nhiệm, thì hãy bay lên khỏi khỏi mặt đất... Anh nhé... Dù chỉ là bay trong một giấc mơ mà thôi.

Một giấc mơ kỳ lạ, mà ở đó anh vẫn là người yêu thương em chan hoà, và chúng ta quấn quít lấy nhau như những ngày đầu tiên.

Dẫu cho trần gian có cho anh nhiều đắng cay và thấm mệt với thất bại, thì em vẫn ở đó với anh. Cũng giống anh đã từng là ngôi nhà của em, em cũng muốn chở che cho anh khi anh gục ngã, và tìm một nơi nương náu.

Em sẽ mãi là nhà của anh trở về.

Dẫu anh có đi xa, vượt qua muôn ngàn thung lũng, và bóng đêm nặng nề phủ lên lối anh đi. Dẫu cho đời có khiến anh chẳng còn nhiều luyến lưu gì và muốn vứt hết tất cả.

Thì em vẫn muốn ở bên anh, chỉ là để lau dần nước mắt của anh mà thôi.

Chẳng cần quan trọng chuyện chúng ta yêu nhau là sai hay là đúng, chỉ cần biết rằng em còn thấy đau là em còn thương anh...

Vì thế hãy cứ bước tiếp, cùng nhau, vượt qua những ngày giông bão. Để đến nơi hết muộn sầu.

Cuộc đời là như thế mà...

Lúc thì phải mạnh mẽ vượt qua thung lũng rộng lớn. Lúc thì phải chống chọi lại bóng đêm đang ghì chân chúng ta. Lúc thì cuộc đời đầy đưa chúng ta vào bước đường cùng mà chẳng ai còn luyến lưu gì cả. Và em chỉ mong được giúp anh gạt nước mắt qua một bên.

Anh cũng không nên tự vấn rằng ta yêu là sai hay đúng. Điều đó thật sự chẳng có ý nghĩa gì cả. Chỉ có một điều quan trọng mà thôi: Rằng chúng ta còn thấy đau đáu về nhau là vẫn còn yêu nhau.

Giông bão ngày hôm nay rồi sẽ tan đi mà thôi. Sau cơn giông trời lại sáng mà, biết đâu chúng ta sẽ đi đến nơi của những ngày xưa ấy.

Những ngày mà anh là gió vĩnh cữu và em là nước mênh mang.

Hết muộn sầu...

Tuesday, July 9, 2019

Hiểu như thế nào về bầu cử dân chủ?

Bài viết là một câu trả lời cho một câu hỏi ở đây: https://ereka.vn/post/goc-tranh-bien-xa-hoi-dan-chu-vs-khong-dan-chu-495271702810928428

Thứ nhất, tôi cho rằng người hỏi hơi nhập nhằng giữa việc "điều hành" và "bầu cử".

Việc điều hành của một chính phủ bất kỳ là công việc của một nhóm nhỏ người. Trong khi việc bầu cử là việc rộng khắp. Và trong khi giới chính trị gia nói rằng "bầu cử là hình thức quyết định điều hành của chính quyền", thực tế diễn ra lại chỉ là "bầu cử là hình thức quyết định bên nào được chọn điều hành".

Tức là, người dân (dù là dân đen và ngu muội đi nữa), thì việc đóng góp vào xây dựng đất nước thông qua lá phiếu của họ chỉ đơn giản là: Có 2 bên (hoặc nhiều bên) và họ cần phải chọn một. Bên nào được chọn nhiều nhất thì bên đó được quyền điều hành, và đưa ra các quyết định của mình.
Đây chính là hình thức dân chủ theo phổ thông đầu phiếu.

Và việc đất nước được điều hành như thế nào phụ thuộc vào các bên tham gia tranh cử, nếu các bên đó là người tốt, có trình độ cao, chọn giải pháp tuyệt vời, linh động trong các diễn biến tương lai,... thì đất nước đó được điều hành tốt.

Bạn có thể vin cớ rằng: Nếu người dân ngu nên chọn bên không tốt. Thì thực ra trong đó có tới 2 vấn đề:
  • Một là đất nước không được vận hành bởi tầng lớp tinh anh, mà vẫn còn bị len vào đó giới chính trị gia không tốt.
  • Hai là người dân ngu quá mức nên mới không chọn nhóm tốt mà chọn nhóm không tốt.
Nói cách khác, chúng ta KHÔNG CHỈ đổ lỗi cho người dân ngu, mà còn vì tầng lớp tinh anh không được tham gia chính trị.

Khi nhìn vấn đề như vậy, không thể không thấy rằng: Một quốc gia kém phát triển hay đang phát triển hay đã phát triển đều như nhau cả, quan trọng là tầng lớp có học thức được quyền lãnh đạo hay không, và người dân có biết chọn người học thức làm lãnh đạo hay không? Nếu cả 2 điều trên mà KHÔNG, thì đất nước sẽ dễ bị tàn phá, còn nếu chỉ 1 trong 2 thì chưa chắc.

Đó chính là nguyên tắc của dân chủ phương Tây, vốn được nghiên cứu qua rất nhiều thế hệ triết gia.

Thứ hai, cách thức vận hành của các chính quyền dân chủ thật sự thì không chỉ có "lá phiếu bầu cử".
Điểm mấu chốt của nó là "tam quyền phân lập" và "quyền lực thứ tư".

Bỏ qua 2 yếu tố này là hiểu sai về hệ thống dân chủ.

Tam quyền phân lập trao quyền lực rất lớn và trực tiếp cho hành pháp, để người lãnh đạo đưa ra quyết định nhanh và triển khai ngay lập tức. Tuy nhiên, lại đặt một yêu cầu kiểm soát từ lập pháp, khi họ có thể chất vấn và thậm chí là huỷ bỏ bất cứ một mệnh lệnh nào của người lãnh đạo hành pháp. Việc này sẽ giúp cho trường hợp người lãnh đạo không đủ khả năng, hoặc phán đoán sai, hoặc đưa ra quyết định cá nhân hay cục bộ và phe nhóm,... bị phát hiện và ngăn chặn bởi bên lập pháp, vốn có rất rất nhiều đại biểu (cũng là người có học thức và hiểu biết).

Tam quyền phân lập còn dựng lên một nhánh tư pháp độc lập và có quyền lực tối thượng, nhưng thứ quyền lực này lại không thể gây ảnh hưởng trực tiếp, và vì thế nó bị giới hạn ảnh hưởng khi tư pháp quyết định sai ảnh hưởng đến đất nước.

Như vậy, tam quyền phân lập tạo ra thế chân vạc giữa 3 bên:
  • Hành pháp có một người (hoặc một đảng) có thể ra mọi quyết định, và áp dụng ngay lập tức đến đất nước.
  • Lập pháp có thể ngăn chặn mọi quyết định của hành pháp, nhưng phải thông qua cơ chế bỏ phiếu và tranh luận công khai.
  • Tư pháp lại có quyền tối thượng, huỷ bỏ mọi quyết định của hành pháp, nhưng phải thực hiện đằng sau một lô các thủ tục pháp lý và tranh biện rất nhiều.
Nếu thế chân vạc này đổ vỡ, tức là 2 bên còn yếu so với bên còn lại, hoặc có một bên thứ tư đứng ra "lãnh đạo" cả 3 bên, thì đất nước sẽ rơi vào vòng xoáy tập trung quyền lực và mất đi dân chủ đúng nghĩa. Tất nhiên, sau đó thì tham nhũng (của phe đang lãnh đạo) sẽ không kiểm soát nổi và người dân sẽ xem lá phiếu bầu cử là hình thức.

Điểm quan trọng cần lưu ý ở đây là: Trong khi lập pháp được hình thành từ lá phiếu của người dân, thì tư pháp lại được hình thành từ tầng lớp tinh anh có hiểu biết sâu rộng. Chính xác hơn thì tư pháp xuất hiện KHÔNG PHẢI TRỰC TIẾP của người dân. Và vì thế nên không có chuyện "dân ngu" thì chọn ra tư pháp cũng ngu theo. Vấn đề chỉ là nếu cả nước không có người trí thức đủ để làm tư pháp thì mới có vấn đề.

Việc hình thành nhánh hành pháp thì mỗi nước lại có một lựa chọn riêng, Mỹ thì người dân tự bầu tổng thống độc lập với lập pháp, Úc thì phe đa số ở lập pháp sẽ chỉ định thủ tướng, ở Pháp thì người ta bầu tổng thống nhưng thủ tướng sẽ được chỉ định,... Có thể xem là tuỳ mỗi nước mà hình thức là pha trộn giữa "bầu tự do" hay "chọn trong giới tinh anh".