Monday, March 14, 2011

Câu chuyện về cô bé thích đàn violin

Hồi chiều, vô tình nghe lại bài hát Giọt sương, với một đứa bạn "hơi bị" lãng mạn là thằng Luân, tự nhiên thấy thèm cảm giác của miền quê. Rồi bỗng nhiên nhớ tới một khung cảnh trong một câu chuyện... Đây là một câu chuyện hơi cũ rồi, trong một video quảng cáo... Cũng lâu lắm rồi mới lại xem, vẫn thu hút tôi, vẫn khiến tôi rung động, cứ như là những tiếng nấc từ sâu thẳm tâm hồn... khẽ chạm...



Câu chuyện kể về một cô bé, rất thích đàn violin. Mọi việc sẽ rất bình thường nếu cô bé ấy không bị câm điếc bẩm sinh... Đúng rồi, một nghệ sĩ thì không thể không nghe những gì mình trình bày, và mọi người không chấp nhận một nghệ sĩ không thể nghe những gì mình trình bày... Và thế là cô bé ấy bị đối xử, và ghẻ lạnh. Cô bé ấy không thể đàn chung với người khác. Cô bé cũng không thể mang đến cho người khác niềm vui... Và thế đấy, cô bé cô đơn...



Ngay từ nhỏ, cô bé ấy vẫn thường đi xem một người nghèo trình diễn violin ở ngoài đường phố. Ông ấy được nể trọng, ít ra là ở tiếng nhạc của ông ấy khiến cho rất nhiều người nghe và chia sẻ... Cô bé hâm mộ ông từ thuở đó... Hôm nào đi học về cũng ghé qua, chỉ để xem ông trình bày violin, chỉ xem thôi... Và cô bé bị cuốn hút vào tiếng đàn tưởng tượng mà ông ấy biểu diễn... Và cô bé càng quyết tâm trở thành một nghệ sĩ violin.



Nhưng... Cô bé phải trở lại với thực tế: Cô bé bị điếc, và mọi người xa lánh cô bé.



Và cô bé đầy dẫy thất vọng, định rời bỏ ước mơ violin... Và lần đó, cô bé lại đến xem ông nọ biểu diễn violin... Cuối buổi, ông ấy hỏi cô bé "con có còn chơi violin nữa không?"... và bằng ngôn ngữ của người câm điếc... Ông già cũng câm điếc... Người nghệ sĩ mà cô bé hâm mộ cũng câm điếc bẩm sinh... Người đã mang lòng yêu violin cho cô bé là một người giống như cô bé ấy... Khóc... Nghẹn ngào...



Âm nhạc... là một thứ có thể nhìn thấy... Nhắm mắt lại... bạn sẽ thấy...



Từ dạo đó, cô bé bắt đầu chơi violin và cảm nhận âm nhạc theo cách của mình. Cô bé thường biểu diễn bên cạnh ông già nọ, giữa đường phố. Rồi thì có một cuộc thi âm nhạc ở trường, cô bé cũng muốn tham dự. Nhưng rồi có chuyện xảy ra, đó là vào ngày hôm đó, một nhóm du côn đến chỗ cô bé và ông già biểu diễn, để đập phá. Ông già phải nhập viện, còn cây đàn violin đầy kỷ niệm của cô bé bị đập vỡ tan.



Nhưng rồi cô bé vẫn bước lên sân khấu... Với một cây đàn được dán lại bằng băng keo... Bản nhạc được vang lên... Như một điệp khúc vỗ cánh của một con bướm vừa chui ra khỏi kén... Bay vút giữa một cánh đồng rộng lớn... Đầy gió và hương lúa...



Âm nhạc là thứ có thể nhìn thấy...





Chỉ cần chúng ta nhắm mắt lại...



Bất chợt, tôi nhớ đến bộ phim Fly me to Polaris, trong đó có câu "con mắt là để đánh lừa mọi người thôi, vậy nên bạn hãy nhắm mắt lại, bạn sẽ nhìn thấy đâu là tình cảm thật của mình". Câu chuyện cảm động trên cũng một phần thể hiện điều đó. Theo cái lý thông thường của mọi người, nghệ sĩ đàn thì phải nghe, để điều chỉnh âm lượng, điều chỉnh tiếng nhạc để nó được hay nhất... Và rồi, người nghệ sĩ quá chú trọng đến việc điều chỉnh âm nhạc, mà không nhận ra rằng bản thân âm nhạc là cảm nhận... Và khi nào chúng ta đánh mất cái tôi trong âm nhạc của mình, là ta đang ùa theo làn sóng âm nhạc rẻ rúng, vốn chỉ là một thứ giải trí...

1 comment:

  1. Lê Quyền writes:Cảm ơn vì bài viết hay!Và rồi, người nghệ sĩ quá chú trọng đến việc điều chỉnh âm nhạc, mà không nhận ra rằng bản thân âm nhạc là cảm nhận...

    ReplyDelete